menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Thanh Hải

Thuế tối thiểu toàn cầu hay là câu chuyện giữ chân "đại bàng"?

Thuế tối thiểu toàn cầu (global minimum tax - GMT), hay gọi đầy đủ là thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (global minimum corporate income tax), là một trong 2 nội dung chính trong Kế hoạch hành động về Chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (Action Plan on Base Erosion and Profit Shifting - BEPS).

1. THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU LÀ GÌ?

Thuế tối thiểu toàn cầu (global minimum tax - GMT), hay gọi đầy đủ là thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (global minimum corporate income tax), là một trong 2 nội dung chính trong Kế hoạch hành động về Chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (Action Plan on Base Erosion and Profit Shifting - BEPS). Kế hoạch này do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development - OECD) khởi xướng và đã được 141 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng thuận.

Mục tiêu của Kế hoạch này là thiết lập sự công bằng về thuế. Đối với các nước phát triển, việc các doanh nghiệp của mình đi đầu tư ở nước ngoài không chỉ làm giảm việc làm tạo ra ở trong nước mà còn giảm các khoản thu thuế mà quốc gia đó có thể thu được. Hoặc một số doanh nghiệp chuyển đăng ký sang các "thiên đường thuế" - những quốc gia không thu thuế hoặc thu với mức rất tượng trưng. Đối với các nước đang phát triển, thường là những nước nhận đầu tư, việc cạnh tranh thu hút đầu tư bằng các ưu đãi giảm thuế làm cho các nước này cũng không thực sự nhận được những lợi ích từ FDI mang lại. Thuế tối thiểu toàn cầu có mục đích điều chỉnh lại những bất cập đó.

Theo kế hoạch của OECD, các công ty lớn với doanh nghiệp hợp nhất toàn cầu hàng năm đạt ít nhất 750 triệu euro trong ít nhất 2 năm của chu kỳ 4 năm gần nhất sẽ phải chịu mức thuế tối thiểu là 15%. Điều này có nghĩa là, nếu công ty đó (hoặc công ty con của công ty đó) đang đóng mức thuế, ví dụ 10%, ở nước mà họ đến đầu tư thì họ sẽ phải đóng mức còn thiếu là 5% ở nước mà công ty đặt trụ sở chính.

Do vậy, những nước nhận đầu tư, cho dù có muốn duy trì chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI thông qua chính sách thuế thì chính sách đó cũng không còn nhiều tác dụng, vì các doanh nghiệp đầu tư vẫn sẽ phải đóng bù khoản thuế còn lại cho nước mà họ đặt trụ sở. Nói cách khác, những ưu đãi thuế mà nước đó tạo ra sẽ không chảy vào túi nhà đầu tư mà chảy vào ngân sách của nước khác. Mặt khác, nếu nước nhận đầu tư tăng thuế lên 15% để tận thu khoản thuế mà đằng nào nhà đầu tư cũng phải đóng thì ưu thế thu hút đầu tư so với các nước nhận đầu tư khác có thể sẽ sụt giảm.

Mặc dù hiện nay mới chỉ có EU và Hàn Quốc chính thức thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có thể thấy đây sẽ là một xu hướng khó thể đảo ngược khi nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực xem xét, điều chỉnh pháp luật của mình để áp dụng quy định này.

Từ góc độ hội nhập kinh tế quốc tế, việc áp dụng nhanh chóng thuế tối thiểu toàn cầu làm khá nhiều người ngạc nhiên. Từ trước đến nay, OECD không phải là một thực thể thường được nhắc đến trong những chính sách kinh tế ở cấp độ toàn cầu. Trong bối cảnh vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bị suy giảm, chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa bảo hộ nổi lên lấn ất chủ nghĩa toàn cầu vốn rất thịnh hành hồi đầu thế kỷ và người ta ít thấy có một chính sách nào tác động ở cấp độ toàn cầu. Vì vậy, việc một tổ chức có 38 thành viên như OECD đưa ra một chính sách được rất nhiều quốc gia hưởng ứng, trong khi thời gian chuyển tiếp để thực hiện rất ngắn, là một "hiện tượng" trong nền kinh tế thế giới đang bị chia rẽ như hiện nay.

2. MỘT SỐ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Tại Việt Nam, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ biến là 20%, tuy nhiên, thông qua các chính sách ưu đãi thì doanh nghiệp FDI được hưởng mức thuế thực tế trung bình vào khoảng 12,3%, tức là có mức chênh lệch 2,7% so với thuế tối thiểu toàn cầu. Trên thực tế, có những doanh nghiệp FDI còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian, hoặc chỉ phải đóng sau khi doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Như vậy, một khía cạnh tích cực mà thuế tối thiểu toàn cầu mang lại đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung là thu hẹp sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam vốn đã có nhiều lợi thế về quy mô, về công nghệ, về thị trường, nay họ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ thuế tương đương với doanh nghiệp Việt Nam, hoặc có chênh lệch thì cũng không quá nhiều.

Theo Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 335 dự án tại Việt Nam có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn... Số dự án trên là quá nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 1% so với trên 36.000 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD. Nhưng điều đáng nói là số dự án của các doanh nghiệp lớn nói trên lên tới khoảng 131,3 tỷ USD, tức là gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam.

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%; thuế suất ưu đãi: 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư; thuế suất ưu đãi đặc biệt: 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.

Đối với Nhà nước, chính sách thuế tối thiểu cũng sẽ cho Nhà nước một lý do chính đáng để tăng thu thuế với các doanh nghiệp FDI lớn. Tất nhiên, Nhà nước và các doanh nghiệp FDI này chắc chắn cũng sẽ phải thảo luận những ưu đãi khác để bù đắp cho "thiệt thòi" mà các doanh nghiệp này bỗng dưng phải chịu. Nói gì thì nói, đây là những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, quyết định đầu tư của họ đều là những động thái đáng chú ý trong ngành, và cùng với họ sẽ có hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ trong chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng.

Mặt khác, chính sách này hiện mới chỉ tác động đến những doanh nghiệp FDI lớn, còn những doanh nghiệp FDI nhỏ thì chưa bị ảnh hưởng. Như con số ở trên cho thấy, số lượng các doanh nghiệp FDI loại này vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số các dự án FDI tại Việt Nam.

Một vấn đề nhức đầu với các nước nhận đầu tư là câu chuyện chuyển giá. Đó là trường hợp doanh nghiệp FDI mặc dù làm ăn có lãi ở Việt Nam, nhưng tìm cách chuyển thành chi phí nguyên liệu, vật tư, thiết bị, tài sản trí tuệ, dịch vụ nhập khẩu với giá ngất ngưởng mà người xuất khẩu không ai khác chính là công ty mẹ ở nước ngoài. Do đó chi phí chảy từ công ty con về công ty mẹ, làm giảm lợi nhuận và khoản thuế phải đóng ở Việt Nam. Liệu thuế tối thiểu toàn cầu có triệt tiêu hay hạn chế được câu chuyện này không - đây vẫn là câu hỏi cho giai đoạn sắp tới.

Điều đáng nói là một quyết định có ảnh hưởng ở tầm toàn cầu như vậy lại có thời gian chuyển tiếp thực hiện rất ngắn. Dự kiến, từ đầu năm 2024, tức là chỉ còn 8 tháng nữa, nhiều nước sẽ bắt đầu áp dụng chính sách này. Nếu Việt Nam không phản ứng nhanh, sẽ mất đi một khoản thuế không nhỏ lẽ ra có thể được hưởng.

Để đáp ứng các yêu cầu về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần sửa đổi ít nhất 3 luật là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng với đó là hàng loạt văn bản dưới luật. Đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh quy trình xây dựng và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta mất khá nhiều thời gian.

3. VIỆT NAM CÓ GÌ ĐỂ GIỮ CHÂN NHÀ ĐẦU TƯ

Sự chú ý hiện nay đổ dồn vào việc các doanh nghiệp FDI lớn - các "đại bàng" theo cách gọi phổ biến gần đây - sẽ có phản ứng thế nào nếu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Nói cách khác, nếu không còn ưu đãi về thuế thì Việt Nam sẽ có những gì để thu hút và giữ chân nhà đầu tư.

Theo nhiều ý kiến, môi trường kinh doanh là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Môi trường kinh doanh ở đây bao gồm sự ổn định chính trị - xã hội, sự thông thoáng, minh bạch của pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả. Mặc dù hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có những vướng mắc bị các nhà đầu tư phàn nàn, nhưng cơ bản môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn là điểm cộng, được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Yếu tố thứ hai là sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp vệ tinh, công nghiệp hỗ trợ. Sự nỗ lực của Samsung để xây dựng trung tâm R&D và chuỗi doanh nghiệp vệ tinh tại Việt Nam, chuyển dịch của các vendor lớn của Apple giúp ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam có thay đổi; ngành ô tô thì có sự bứt phá của các nhà đầu tư trong nước như Thaco, Thành Công, VinFast; nhưng với các ngành như dệt may, da giầy, đồ gỗ thì đây vẫn còn là điểm trừ.

Yếu tố thứ ba, đó chính là logistics. Không chỉ có vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải và hàng không bận rộn của thế giới, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng và năng lực xử lý hàng hóa trong thời gian vừa qua. Logistics đã góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước trở thành một trong 20 quốc gia lớn nhất về thương mại quốc tế. Đây là một lợi điểm để giữ chân và thu hút nhà đầu tư.

Yếu tố thứ tư, đó là nhân lực. Nhân lực giá rẻ vẫn cần, nhưng trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, nhân lực chất lượng cao lại cần thiết hơn, đặc biệt là nhân sự quản lý cấp trung. Quá trình hội nhập đã tạo ra một nguồn nhân lực có tính thích ứng với kinh doanh quốc tế, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Về tổng thể, đây là một ưu thế vừa phải.

Thứ năm, sự thích ứng với các yêu cầu của tương lai, mà trước hết là yêu cầu về thương mại bền vững và chuỗi cung ứng xanh. Các yếu tố đầu vào như giá điện, giá xăng dầu rẻ sẽ không còn là ưu thế nếu như không đảm bảo yêu cầu trung hòa carbon. Việc Việt Nam có cam kết và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo sẽ là một điểm tích cực nữa, nhưng tiến trình này cần được đẩy nhanh hơn.

Trao đổi với tôi, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn Việt Nam sớm công bố ý định về việc có áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu hay không. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam cũng mong muốn nước chủ nhà cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư như Hàn Quốc đã làm, ví dụ như khấu trừ thuế với hoạt động R&D, khấu trừ thuế cho đầu tư mở rộng; hỗ trợ phúc lợi cho nhân viên, cơ sở sản xuất an toàn, công nghệ thế hệ mới, v.v...

Nhìn từ góc độ khác, không chỉ có Việt Nam thay đổi. Nhiều quốc gia cũng đang vươn lên khá nhanh, ngay cả những nước xung quanh chúng ta như Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh. Do vậy, việc tỉnh táo, đánh giá đúng vấn đề, bắt tay vào hành động nhanh là cần thiết lúc này để thích ứng với quy định mới về thuế tối thiểu toàn cầu mà không gây biến động quá lớn đến môi trường đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu - nơi mà các doanh nghiệp FDI đang chiếm đến 70% tổng kim ngạch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Trần Thanh Hải

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả