menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Hưng

Thuế tối thiểu toàn cầu: Hành động sớm để không mất nguồn thu hàng tỷ USD

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, Việt Nam nên sớm triển khai đánh thuế để không mất quyền thu thuế bổ sung với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách.

Thuế tối thiểu toàn cầu: Hành động sớm để không mất nguồn thu hàng tỷ USD

Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngay từ ngày 1/1/2024

Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống các tập đoàn đa quốc gia né thuế, dự kiến áp dụng năm 2024. Mức tối thiểu được áp dụng là 15%, đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (tương đương 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Dự kiến, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU sẽ đánh thuế vào năm sau. Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được đề xuất áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục đánh giá để xác định "Việt Nam nên hay không áp thuế này".

Việt Nam nên sớm triển khai đánh thuế

Theo đánh giá của các chuyên gia, mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ gây ra nhiều mối lo về xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư, cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia cũng như chiến lược thu hút FDI nếu chậm chân ứng phó.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, nếu áp dụng mức thuế ưu đãi của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, tổng số thuế doanh nghiệp phải nộp trong suốt thời gian hoạt động sẽ cao hơn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%.

Bộ Tài chính tính toán cho biết, doanh nghiệp có thu nhập tính thuế ổn định 100 tỉ đồng/năm. Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp phải nộp tổng số thuế 765 tỉ đồng trong suốt thời gian hoạt động. Nếu áp thuế tối thiểu toàn cầu, doanh nghiệp chỉ nộp 750 tỉ đồng. Trường hợp cùng doanh thu 100 tỉ đồng/năm và tăng trưởng đều 5%/năm, khi nhận ưu đãi theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp nộp tổng số thuế 3.861 tỉ đồng trong suốt thời gian hoạt động. Trong khi đó, nếu áp thuế tối thiểu toàn cầu, doanh nghiệp chỉ nộp 3.140 tỉ đồng.

Về vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung và giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư.

Theo ông Thịnh, nếu áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách.

“Việt Nam triển khai thuế tối thiểu nội địa có thể dành phần thuế thu thêm để phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ. Nếu chậm áp thuế, Việt Nam sẽ mất “quyền đánh thuế”. Hàng chục nghìn tỉ đồng tiền chênh lệch thuế mỗi năm, doanh nghiệp vẫn phải nộp về chính quốc, trong khi nhà nước không có nguồn lực bổ sung để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Thịnh đánh giá.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc tư vấn thuế, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho hay nếu Việt Nam không hành động sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề. Thứ nhất là mất đi nguồn thu thuế bổ sung tiềm năng từ thu nhập phát sinh tại quốc gia của mình, sau đó sẽ bị đánh thuế bổ sung ở bất kỳ quốc gia khác; thứ hai là ảnh hưởng lợi thế cạnh tranh đầu tư một cách tiêu cực nếu các nước khác thay đổi chính sách đầu tư và chính sách thuế đem lại lợi ích tài chính cho các công ty hơn.

Do đó, để đảm bảo đủ năng lực tiếp tục tham gia cuộc cạnh tranh mới, Việt Nam nên cân nhắc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn (QDMTT) từ 2024.

“Cần nhấn mạnh QDMTT là cơ chế đạt chuẩn theo quy định của OECD. Các cơ chế khác không đạt chuẩn (ví dụ như áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15%) sẽ không thống nhất theo công thức tính của OECD như QDMTT. Điều này dẫn đến tổng nghĩa vụ thuế của toàn tập đoàn sẽ bị tăng lên so với việc tính toán thuế bổ sung theo QDMTT hay IIR. Việc này vừa gây thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư, vừa gây khó khăn trong việc áp dụng và không thể hiện được sự hội nhập chính sách thuế của Việt Nam với quốc tế”, ông Tuấn nêu.

Cân nhắc chính sách hỗ trợ mới

Ông Bùi Ngọc Tuấn cũng đề nghị cân nhắc các chính sách hỗ trợ/ưu đãi đầu tư mới nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp hơn với bối cảnh hậu Trụ cột 2.

Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp FDI đang nắm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo đó, dưới bất kỳ hình thức nào, nếu Việt Nam chỉ giữ lại quyền đánh thuế hoặc thu thêm phần thuế bổ sung mà không có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng sẽ gây bất lợi cho vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư.

“Nghị quyết số 50- NQ/TW ngày 20/8/2019, mục tiêu vốn đăng ký đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm). Theo đó nếu không có phương án xử lý tốt, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu trên”, ông Tuấn lưu ý.

OECD nhấn mạnh rằng chính phủ của các quốc gia đang phát triển cần đánh giá lại môi trường ưu đãi thuế, nhìn nhận Trụ cột 2 là một cơ hội để cải cách, đồng thời tái cấu trúc hệ thống chính sách ưu đãi thuế, đặc biệt là những chính sách không hiệu quả gây lãng phí nguồn ngân sách quốc gia.

Trong đó, các chính sách ưu đãi dựa trên thu nhập sẽ không còn hiệu quả mà thay vào đó nên tăng cường các chính sách dựa trên cơ sở chi phí. Chính sách được đề xuất hàng đầu là thông qua trợ cấp trực tiếp hoặc cho cấn trừ chi phí vào thuế phải nộp và được hoàn theo chuẩn của OECD (QRTC) đối với một số loại chi phí (như chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí sản xuất, nghiên cứu phát triển, nhân lực…).

Theo ông Tuấn, Việt Nam có thể tham khảo các chính sách của Ấn Độ, Ireland, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông. Để thực hiện được biện pháp này, Chính phủ Việt Nam cần đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: Bao nhiêu thuế bổ sung sẽ được dùng để hỗ trợ DN; đối tượng doanh nghiệp nào sẽ được hưởng ưu đãi này; mức hỗ trợ tính toán trên cơ sở chi phí nào và mức bao nhiêu là phù hợp…

Liên quan đến vấn kỹ thuật khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ông Tuấn cho rằng, về mặt hình thức, trước khi có những sửa đổi cụ thể trong các luật liên quan, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để Việt Nam có thể áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu phù hợp từ năm 2024.

“Mục tiêu chính về việc tuyên bố áp dụng cơ chế thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn (QDMTT) để đảm bảo quyền thu thuế bổ sung của Việt Nam và giải pháp chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đảm bảo vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư. Sau đó, trong các năm 2024 và 2025, Việt Nam có thể tiếp tục cân nhắc giải pháp lâu dài về sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan”, ông Tuấn nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại