24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thuế thu nhập cá nhân vẫn bất hợp lý

Lạc hậu, bất hợp lý, chưa công bằng... tất cả những điều này vẫn được giữ nguyên trong Dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, gây thất vọng cho hàng triệu người đang chịu thuế.

“Định mức” nuôi con quá thấp

Cụ thể theo dự thảo, người nộp thuế sẽ được khấu trừ 9 triệu đồng hiện nay lên 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm) và người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Ngưỡng thuế này được đánh giá đã lỗi thời ngay từ trong dự thảo.

Chị Phượng (Q.7, TP.HCM) bức xúc: “Những người đóng thuế như tôi đã chờ đợi sự điều chỉnh này 7 năm rồi, thế nhưng ngưỡng thuế này quá bất hợp lý”. Chị Phượng cho biết, chị có con gái lớn học tại trường đại học công lập ở TP.HCM năm học 2017 - 2018 học phí là 17 triệu đồng/năm, đến nay tăng lên gần 19 triệu đồng/năm và dự kiến năm sau sẽ tăng gần 21 triệu đồng. Cậu con trai nhỏ đang học cấp 3, học phí khoảng 15 triệu đồng/năm. Cả hai đều phải học thêm Anh văn và các môn khác như toán, ngoại ngữ thứ hai... Ước tính mỗi tháng chị Phượng phải chi cho 2 đứa con lên gần 15 triệu đồng, chưa kể ăn mặc, sinh hoạt ngoại khóa, tiền khám chữa bệnh... “Đó là chi phí tối thiểu để nuôi con ở TP này, thế mà nhà nước bao năm qua chỉ cho nuôi 3,6 triệu đồng, nay tăng thêm mỗi đứa 800.000 đồng thì phần còn lại ai bù?”, chị Phượng than.

Không chỉ nâng “nhín nhín” cho người phụ thuộc, ngay ngưỡng chịu thuế của người đi làm từ 9 triệu đồng nâng lên 11 triệu đồng/tháng cũng chưa đủ cho sinh hoạt hằng ngày. Chị Minh Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay hằng tháng chị có ghi chép lại các chi tiêu của gia đình và trung bình sẽ từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng. Đó là mức sinh hoạt bình thường chưa bao gồm tiền học phí cho 2 đứa con, chi phí khám chữa bệnh khi ốm đau, tiền mua quần áo hay ma chay, đám cưới đối với hàng xóm, bà con nội ngoại... Nếu tính đủ mọi chi tiêu thì bình quân mỗi người phải tối thiểu 15 - 16 triệu đồng/tháng mà chưa kể đến du lịch, nghỉ dưỡng. “Hơn nửa năm qua thịt heo tăng giá vùn vụt cũng kéo theo nhiều thực phẩm khác đi lên nên hằng ngày đi chợ luôn phải tính toán để không thiếu trước hụt sau. Chẳng nói cái gì xa xỉ, chỉ tiền gửi xe máy mỗi lần đi chợ, trước chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/chiếc còn nay đều tăng lên 5.000 - 10.000 đồng/chiếc. Những bà nội trợ đi chợ hằng ngày đều biết nhiều hàng hóa đều trượt giá mỗi năm từ 10 - 15% và nếu 6 - 7 năm qua thì có món đã tăng giá gấp đôi. Vậy nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) lên như vậy quả là không tương ứng với mức tăng của giá cả thị trường”, chị Minh Anh nhận xét.

Thuế thu nhập cá nhân vẫn bất hợp lý

Người dân tại TP.HCM kê khai nộp thuế. Ảnh: Ngọc Dương

Thu nhập 1 triệu không được tính người phụ thuộc

Bên cạnh mức GTGC thấp, luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay cũng còn nhiều quy định chưa hợp lý khiến người dân thấy hoang mang. Anh Thanh Hùng (Q.1, TP.HCM) nêu thắc mắc anh đang ở chung với bố mẹ đã về hưu. Nhưng lương hưu của bố mẹ mỗi người chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng và số tiền này theo quy ước cũng chỉ là khoản tiêu vặt như trà nước, xăng xe. Còn lại các chi phí chính như ăn uống, khám chữa bệnh khác anh phải lo. Theo quy định hiện nay, người có thu nhập thường xuyên trên 1 triệu đồng/tháng thì không được tính là người phụ thuộc để được tính GTGC. “Nếu một người phụ thuộc được khấu trừ tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng là đã quá thấp so với mức chi tiêu bình thường thì quy định người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng không được tính là quá vô lý. Thu nhập 1 triệu đồng mỗi tháng làm sao đảm bảo đời sống cho họ? Người này vẫn cần sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình chứ sao có thể sống được, nhất là người già thường hay đau ốm nên chi phí cũng tăng hơn nhiều. Không được tính là người phụ thuộc, không lẽ mặc kệ họ?”, anh Thanh Hùng nói.

Cao hơn cả Singapore

Biểu thuế của luật TNCN hiện hành quy định gồm 7 bậc, từ 5 - 35% là ngưỡng thuế rất cao so với nhiều nước trong khu vực. Đơn cử, Singapore hiện có 10 bậc thuế từ mức 0 - 22% với mức thu nhập từ dưới 20.000 đô la Singapore (SGD)/năm tương đương 1.666 SGD/tháng (quy đổi khoảng 28,3 triệu đồng/tháng) áp dụng thuế suất 0%; từ 20.001 - 30.000 SGD/năm (tương đương khoảng 28,3 - 42,5 triệu đồng/tháng) thuế suất 2%... Với quy định này, trường hợp cùng mức thu nhập chịu thuế 60.000 SGD/năm, tương đương 1,02 tỉ đồng/năm, tức 85 triệu đồng/tháng, người Việt Nam sẽ đóng thuế TNCN 19,9 triệu đồng/tháng (tỷ lệ thuế trên thu nhập chiếm 23,4%), trong khi người Singapore chỉ đóng 2,76 triệu đồng/tháng (tỷ lệ thuế trên thu nhập chịu thuế chiếm 3,25%)...

Chưa kể, trong khi mọi chi phí học hành của con cái đều được khoán trọn gói trong mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng đối với người dân Việt Nam thì quy định lại cho phép người nước ngoài làm việc ở Việt Nam có con học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông thì được khấu trừ học phí trước khi chịu thuế TNCN. Mà thông thường người nước ngoài có con học ở trường quốc tế tại Việt Nam thì học phí luôn cao gấp 5 - 10 lần học phí của trường Việt Nam.

Tương tự, luật Thuế TNCN cũng cho phép người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được trừ khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi về phép mỗi năm một lần trước khi tính thuế, nhưng người lao động trong nước thì không được. Trong khi thực tế, lực lượng lao động trong nước di chuyển từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác, từ bắc vào nam là rất lớn. Khoản chi phí đi lại cũng chiếm một phần không nhỏ trong tổng thu nhập của họ. Ngoài ra, thu nhập vãng lai từ mức 2 triệu đồng đều bị khấu trừ thuế suất 10% khiến nhiều người có tổng thu nhập trong năm chưa đến mức chịu thuế cũng bị đóng thuế... Đó là chưa kể trong khi thu nhập từ lương, từ tiền công thì phải chịu thuế TNCN tăng dần lên đến 20%, hay thậm chí lên 30 - 35% thì những người trúng xổ số chỉ phải nộp thuế 10%.

Thuế nên khuyến khích chi tiêu

Cơ sở để điều chỉnh mức GTGC cho người nộp thuế được Bộ Tài chính đưa ra là tương đương 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người vào năm 2014. Điều này nhằm đảm bảo cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm năm 2014 và các năm sau theo tính toán. Nếu vẫn dựa trên cơ sở này, ngưỡng chịu thuế mới phải lên mức tối thiểu hơn 14,5 triệu đồng.

Là người đã có hơn 30 năm làm công tác trong ngành thuế, ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, cho hay mức điều chỉnh GTGC theo dự thảo hiện vẫn còn thấp, chỉ mới tính đến cho kỳ quyết toán thuế năm 2020 mà chưa tính cho những năm sau đó. Cái gốc của GTGC là phải tính được những chi phí căn bản của người nộp thuế, tạo ra sự công bằng cho người làm công ăn lương. Kể từ khi luật thuế TNCN áp dụng mức GTGC mới vào năm 2013, những năm sau đó lạm phát tăng khá mạnh thì phải điều chỉnh mức giảm trừ nhưng việc kéo dài đến nay mới điều chỉnh cũng đã gây thiệt thòi cho người nộp thuế.

“Đừng sợ mất nguồn thu khi điều chỉnh tăng GTGC vì thực tế chứng minh chính sách thuế hợp lý thì số thuế sẽ tăng và ổn định, bởi thu nhập bình quân đầu người qua các năm đều tăng lên và theo kế hoạch đề ra thì mức thu nhập bình quân đầu người sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Tú nói. Theo vị chuyên gia này, về lâu dài cần phải sửa đổi luật để có cách tính căn bản, không phải bàn luận nhiều về thay đổi mức GTGC. Có 2 phương án để giải quyết bài toán này, đó là mức GTGC được căn cứ điều chỉnh dựa trên CPI hằng năm, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số CPI vào cuối năm, còn quyết toán thuế TNCN vào cuối tháng 3 năm sau nên có đủ thời gian để áp dụng mức GTGC. Cách thứ hai, mức GTGC tự trượt theo lương cơ bản. Khi Chính phủ điều chỉnh hằng năm lương cơ bản thì mức GTGC này cũng sẽ tự động tăng lên. Trong quá trình hoàn thiện luật, để đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, mức GTGC cũng nên tiến dần đến việc cho phép người nộp thuế tính một số chi phí cơ bản cho cuộc sống. Cụ thể là chi phí chữa bệnh cho người nộp thuế và người thân, chi phí học hành cho người nộp thuế và người thân, cuối cùng là chi phí về mua, xây nhà ở. Đây là 3 nhu cầu lớn nhất trong một đời người mà luật cần sòng phẳng với người nộp thuế, đồng thời cũng là cách khuyến khích họ lấy hóa đơn chứng từ.

Đồng quan điểm, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định GDP bình quân đầu người trong hơn 6 năm qua đã gia tăng mạnh cho thấy đời sống và mức chi tiêu của người dân cũng tăng lên. Mức GTGC đối với người nộp thuế cần phải tăng tương ứng vì nếu không lại khiến người dân nghèo hơn. Đó là chưa kể hiện nay nhiều nước đang hướng đến nền kinh tế chi tiêu để tạo động lực phát triển thì Việt Nam cũng nên đi theo hướng này.

Trong đó, chúng ta khuyến khích người dân chi tiêu hay tái đầu tư cho con cái, nâng cao dân trí thông qua chi phí học hành ngày càng tăng. Từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng của nguồn lực lao động, tăng năng suất lao động của quốc gia. Nếu bị siết chặt mức GTGC cho người phụ thuộc thì không khuyến khích chi tiêu cho học hành của các hộ gia đình.

“Tôi cho rằng cần chỉnh sửa lại luật thuế TNCN hiện hành với việc bãi bỏ các quy định chưa hợp lý cũng như từng bước cho phép người dân được liệt kê các chi phí hợp lý như học hành, khám chữa bệnh trước khi tính thu nhập còn chịu thuế”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả