Thuế thu nhập cá nhân, bao giờ mới sửa?
Nhiều bạn đọc rất bức xúc trước việc quy định về thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu nhưng chưa được sửa kịp thời, phản ánh...
Cụ thể, số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tăng gần 4 lần sau 9 năm, nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn “đứng im tại chỗ”. Cụ thể, theo quy định hiện hành, mỗi cá nhân khi tính thuế thu nhập được giảm trừ 9 triệu đồng/người cho bản thân và 3,6 triệu đồng cho 1 người phụ thuộc.
Đáng nói, luật Thuế TNCN quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Thế nhưng, từ khi luật Thuế TNCN có hiệu lực năm 2013 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 20%, kéo theo mọi sản phẩm, dịch vụ và vật giá đều tăng tương ứng mà mức giảm trừ gia cảnh vẫn đứng yên!
Mong sớm sửa luật
Bạn đọc (BĐ) Nguyễn Khánh Khoa (Đồng Nai) cho rằng bài báo phân tích quá hay và quá đúng, tuy nhiên để sửa thì còn phải chờ và không biết chờ đến khi nào! Trong khi đó, BĐ NHT (TP.HCM) bức xúc vì “việc tận thu thuế TNCN đang gây nhiều khó khăn cho người lao động, bào mòn vào thu nhập tích lũy để tái tạo sức lao động...” và “Đề nghị các ban ngành có liên quan, nhanh chóng chỉnh sửa luật Thuế TNCN”.
Còn BĐ Bảo Nam (Đắk Nông) “tố” mức sống của người lao động ở các thành phố lớn chỉ đủ nuôi thân nhưng vẫn phải đóng thuế và BĐ Việt (TP.HCM) đồng cảm: “Thuế, phí tăng nhưng các khoản hỗ trợ không tăng thì đời sống sẽ khổ”.
BĐ Nguyên Vũ (Quảng Nam) viết: “Luật còn chậm thay đổi để thích ứng với chuyển biến của xã hội, thậm chí là lạc hậu. Mong các nhà làm luật sớm sửa đổi những bất cập”. Tương tự, BĐ Nguyen Chau (TP.HCM) cũng “chỉ quan tâm bao giờ thì sửa luật”. “CPI đã tăng hơn 20% theo quy định thì phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc, điều chỉnh càng sớm thì người nộp thuế càng được lợi”, BĐ này viết.
Truy trách nhiệm ngành thuế
Nhiều BĐ đồng tình cho rằng thuế TNCN chủ yếu “nắm người có tóc”, tức người làm công ăn lương, cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là những người được trả thu nhập qua tài khoản ngân hàng. Còn nhiều người có nguồn thu nhập khủng bên ngoài như ca sĩ, diễn viên, người mẫu, bác sĩ, người kinh doanh qua mạng, YouTuber... lại khó xác minh, khó thu thuế.
BĐ VoTinh (Đồng Nai) viết: “Sao ngành thuế còn quá “hiền” với những đối tượng có nguồn thu nhập khủng bên ngoài như ca sĩ, diễn viên, người mẫu, bác sĩ, người kinh doanh qua mạng, YouTuber... mà quá “kỹ” với những người làm công ăn lương? Ai biết xin trả lời giúp”.
Trong khi đó, BĐ Ho Ca (TP.HCM) đặt hàng loạt câu hỏi: “Báo chí đăng hà rầm người mẫu này mua nhà mấy chục tỉ, diễn viên kia tậu xe cả chục tỉ, ca sĩ nọ một sô đã mấy ngàn đô Mỹ... Họ có nghiêm túc đóng thuế đầy đủ không? Trong khi người làm công ăn lương, trả lương qua ngân hàng, thì đóng không sót đồng nào. Có bất công không?”. Cùng quan điểm, BĐ VanThanh (Long An) nhấn mạnh: “Phải kiểm soát được thu nhập của những ca sĩ, người mẫu, YouTuber nổi tiếng... và để họ thực hiện nghĩa vụ của mình đầy đủ. Nếu ai không chấp hành thì phạt nặng rồi đăng báo”.
Thậm chí, BĐ TranTinh (TP.HCM) còn gay gắt hơn: “Theo tôi, nếu nơi nào không thu được thuế của những ca sĩ, diễn viên, người mẫu, người kinh doanh qua mạng, YouTuber... có thu nhập khủng thì lãnh đạo thuế nơi đó nên từ chức hết đi, để người khác làm. Sao lại nói khó không làm được? Khó mới cần anh làm chứ?”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận