menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Chung Chính

Thuế mới với các “ông lớn” công nghệ khó về đích

Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận cuối cùng trên toàn cầu vào cuối năm 2020 về thuế dịch vụ kỹ thuật số đánh vào các công ty công nghệ khổng lồ như Google, Apple, Facebook, Amazon...

Ai sẽ đánh thuế Google và Facebook? Đó là trọng tâm của tranh luận đang diễn ra giữa 129 nước và vùng lãnh thổ nỗ lực tham gia thiết lập các quy định chung về thuế dịch vụ kỹ thuật số đánh vào các công ty công nghệ khổng lồ trên toàn cầu, dưới sự điều phối của OECD có trụ sở tại Paris (Pháp).

Các công ty công nghệ toàn cầu đang trả thuế ở nước mà họ báo cáo lợi nhuận và đó thường không phải là những nước tạo ra doanh thu thực sự cho họ.

Hãy hình dung trường hợp Coca-Cola mua không gian quảng cáo trực tuyến từ Google và những người dùng ở Paris “click” vào quảng cáo đó, tạo ra thu nhập cho Google. Vậy Google phải trả thuế doanh nghiệp ở đâu?

Tiền thanh toán dịch vụ quảng cáo trên thực tế được trao tay giữa hai công ty có trụ sở tại Mỹ. Trong khi đó, Google có thể ghi nhận phần lớn doanh thu và lợi nhuận từ những cú “click” tại Pháp cho một công ty con ở Ireland, nước thu hút các công ty công nghệ Mỹ đến đặt trụ sở của họ ở châu Âu nhờ mức thuế doanh nghiệp thấp. Điểm phi lý và bất công này thúc bách các cơ quan quản lý ở Pháp tiến hành điều tra và kiện Google với cáo buộc gian lận thuế. Hôm 12-9, Google chấp nhận trả 965 triệu euro (gần 1,1 tỉ đô la Mỹ) tiền phạt và tiền nợ thuế để dàn xếp các vụ kiện thuế tại Pháp.

Số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy các doanh nghiệp số hóa đa quốc gia chỉ trả mức thuế trung bình 10% ở 28 nước thành viên của Liên hiệp châu Âu (EU) so với mức thuế trung bình 23% của các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh không dựa vào các dịch vụ kỹ thuật số.

Mức chênh lệch nộp thuế một phần đến từ các khái niệm cũ trong các luật thuế, chẳng hạn như một công ty chỉ nộp thuế tại một nước khi có “sự hiện diện hữu hình” (văn phòng, cơ sở kinh doanh...) ở nước đó. Các tập đoàn công nghệ kinh doanh ở không gian số hóa và không cần phải thiết lập một văn phòng thường trú tại nước mà họ kinh doanh.

Theo ước tính của OECD, các quốc gia trên toàn thế giới mất 240 tỉ đô la thuế vào năm 2015 vì các thủ thuật chuyển doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp toàn cầu. OECD đang xem xét nhiều đề xuất về cách đánh thuế mới với các công ty công nghệ, nhưng chủ yếu tập trung theo hai hướng. Thứ nhất, OECD sẽ phân chia quyền đánh thuế của các nước có thẩm quyền tài phán đối với một công ty công nghệ bán hàng hóa và dịch vụ tại nước của họ dù không thiết lập sự hiện diện hữu hình.

Điều này có nghĩa là các công ty công nghệ phải trả một phần thuế công bằng tại nước mà người dùng của họ cư trú, hơn là tại nơi là họ thiết lập văn phòng thường trú.

Thứ hai, nếu các công ty công nghệ vẫn có thể tìm cách chuyển doanh thu và lợi nhuận từ một nước mà họ kinh doanh sang ở một nước có mức thuế doanh nghiệp thấp hơn, họ sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu theo thỏa thuận của 129 nước và vùng lãnh thổ dự kiến đạt được vào cuối năm 2020.

Mỹ là nước phản đối mạnh mẽ nhất các cuộc vận động đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đang diễn ra ở nhiều nước vì đa số các tên tuổi công nghệ lớn toàn cầu đều là các công ty Mỹ như Google, Apple, Facebook, Amazon.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phẫn nộ trước việc Quốc hội Pháp thông qua dự luật thuế dịch vụ kỹ thuật số hồi tháng 7. Dự luật này nhắm đến các công ty công nghệ toàn cầu, chủ yếu là các công ty của Mỹ nên nó còn được gọi là dự luật GAFA (viết tắt chữ đầu tiên trong tên bốn công ty công nghệ Mỹ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon).

Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị cấp cao của khối bảy nước công nghiệp phát triển (G7) ở Pháp hồi cuối tháng 8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp và Mỹ đã đạt được thỏa hiệp về thuế dịch vụ kỹ thuật số. Theo đó, Pháp sẽ hủy bỏ áp dụng luật GAFA một khi OECD soạn thảo xong cơ chế đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số để áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Pháp cũng đồng ý trả lại phần chênh lệch nếu như mức thuế dịch vụ kỹ thuật số mà OECD đưa ra thấp hơn mức thuế trong dự luật GAFA.

Hồi tháng 6, Lafayette “Chip” G. Harter, Phó trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề thuế quốc tế, đề xuất OECD chỉ nên tập trung “tái phân bổ các khoản lợi nhuận lớn hơn mức bình thường” của các công ty công nghệ toàn cầu, thay vì theo đuổi những thay đổi quyết liệt về cách đánh thuế mới đối với họ. Các phản ứng của Mỹ báo hiệu rằng cuộc tranh cãi về thuế mới đánh vào các “ông lớn” công nghệ toàn cầu có thể chỉ mới bắt đầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả