Thuế giá trị gia tăng với L/C: Vấn đề tưởng nhỏ mà lớn
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến muốn áp dụng thu thuế GTGT trên giao dịch tín dụng thư (L/C). Ý kiến của cộng đồng DN và các ngân hàng cho rằng điều này không hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu nếu được áp dụng.
Áp thuế vì xem L/C là phương tiện thanh toán thông thường
Cụ thể theo dự thảo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính tại điểm a, khoản 9, Điều 4 đã liệt kê các dịch vụ tài chính, ngân hàng không phải chịu thuế GTGT thì trong đó không có thư tín dụng chứng từ (L/C), hay chính xác hơn và nội dung này đã được đưa vào nhưng sau đó dường như đã xác định lại L/C không liên quan đến quy trình cấp tín dụng nên bị gạch bỏ. “Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu các loại phí liên quan đến quy trình cấp tín dụng thì các khoản phí này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp các khoản phí không thuộc quy trình cấp tín dụng thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT”, trích nguyên nội dung dự thảo.
Nói cách khác là nếu dự thảo với nội dung như vậy chính thức trở thành thông tư và có hiệu lực, L/C sẽ phải chịu thuế GTGT. Tuy nhiên theo các tổ chức và chuyên gia, điều đó cho thấy Bộ Tài chính chỉ xem L/C là một phương tiện thanh toán thông thường mà chưa công nhận bản chất sản phẩm tín dụng/bảo lãnh của L/C. Đóng góp cho dự thảo này, các tổ chức và chuyên gia đều không nhất trí việc loại bỏ này. Đơn cử trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, mới đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cần đưa hình thức “cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C)” vào phần đối tượng không chịu thuế GTGT của thông tư. Lý giải cho đề xuất này, VCCI cho biết đây là một trong những hình thức cấp tín dụng đã được quy định tại khoản 11, Điều 3, Thông tư 22/2019/TT-NHNN, do đó cần được đưa vào để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất.
Ông Nirukt Sapru - Tổng Giám đốc Standard Chartered Việt Nam, Đại diện Nhóm công tác ngân hàng (BWG), thuộc Diễn đàn VBF cho rằng, dù L/C là một phương tiện thanh toán nhưng mang bản chất sản phẩm tín dụng/bảo lãnh và khi đã là sản phẩm tín dụng/bảo lãnh thì không phải chịu thuế GTGT. “Luật của Việt Nam và quốc tế đều thừa nhận bản chất sản phẩm này, đồng thời đã nêu rõ những điều đó trong luật”, ông Nirukt Sapru nhấn mạnh.
Cần nhìn nhận đến bản chất của L/C
Thực tế theo Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định về thuế hiện hành, kể từ năm 2011 đến nay, các ngânhàng và cơ quan thuế cấp tỉnh không áp dụng hoặc không thu thuế GTGT đối với L/C. Vì vậy theo đại diện Nhóm công tác ngân hàng, việc Bộ Tài chính muốn áp dụng thuế GTGT đối với L/C có lẽ vì chỉ xem L/C là một phương tiện thanh toán thông thường mà chưa công nhận bản chất sản phẩm tín dụng/bảo lãnh của L/C. “Chúng tôi cho rằng việc áp dụng thuế GTGT trên L/C này nếu được áp dụng là không phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Thuế GTGT hiện hành”, vị đại diện Nhóm công tác ngân hàng nhận định.
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, có nhiều người hiểu lầm L/C như một hóa đơn thanh toán bình thường, do đó khi có hóa đơn - như vào ăn tại nhà hàng - thì đương nhiên phải trả thuế GTGT. Nhưng L/C là một dạng giao dịch khác, gắn với tín dụng/bảo lãnh liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. “Trước nay tất cả các hoạt động liên quan đến cấp tín dụng, các loại phí trên hoạt động cấp tín dụng chúng ta không áp thuế GTGT, vậy thì tại sao lại áp dụng với L/C?”, TS. Hiếu đặt câu hỏi, đồng thời khuyến nghị: “Không nên áp dụng thuế GTGT trên các phí liên quan đến L/C”.
Các tổ chức và chuyên gia cũng nhận định, nếu chính thức áp dụng thuế GTGT với L/C sẽ gây tác động tiêu cực tới hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động xuất nhập khẩu (L/C chủ yếu được sử dụng cho hoạt động xuất nhập khẩu), nhất là trong bối cảnh cả nước đang phải tập trung hỗ trợ, đối phó với đại dịch Covid-19. Chính vì vậy trong đề xuất của mình, đại diện Nhóm công tác ngân hàng kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo để Bộ Tài chính cùng với NHNN giải quyết vấn đề này theo hướng hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong môi trường pháp luật và quy định hợp lý, minh bạch.
Đáng chú ý trước đó vào ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL về thuế GTGT đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các tổ chức tín dụng. Theo văn bản này, kể từ ngày 1/1/2011 - khi Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành – thì L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán. Do vậy sẽ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đồng thời yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 01/01/2011 đến nay. Không lâu sau đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản nêu quan điểm về vấn đề trên. Theo đó, việc thu thuế GTGT với nghiệp vụ L/C là không hợp lý và không đúng với bản chất của L/C. Theo các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về nghiệp vụ L/C chứng từ và thông lệ quốc tế (Bộ quy tắc về thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ - UCP 600), thư tín dụng (trong đó ngân hàng đóng vai trò phát hành/xác nhận L/C) về bản chất là cam kết/ bảo lãnh thanh toán, như đối với L/C nhập khẩu (bao gồm cả L/C dự phòng). Trong trường hợp này, ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán và được luật pháp coi là hình thức cấp tín dụng (Khoản 14, Điều 4 và Khoản 3, Điều 98, Luật Các tổ chức tín dụng). Do đó, các khoản phí liên quan trực tiếp đến việc phát hành, xác nhận, thông báo L/C để bảo lãnh thanh toán cho khách hàng là phí thu trên hoạt động cấp tín dụng và không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế GTGT, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Việc áp dụng thu thuế GTGT là không đúng với bản chất của L/C, nên càng không hợp lý và không khả thi khi đặt vấn đề truy thu, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT đối với các khoản thu liên quan đến thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay, gây khó khăn và thậm chí có thể gây tác động xáo trộn lớn, ảnh hưởng xấu tới hoạt động ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan. “Việc đề xuất truy thu thuế và phạt 10 năm trước rõ ràng là không hợp lý”, Nhóm công tác ngân hàng của VBF nhận định. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận