Thực phẩm chức năng “dỏm”: Ai chịu trách nhiệm?
Theo luật sư Tuấn, việc người dùng gặp phải biến chứng có thể do sử dụng TPCN không đúng cách gây ra, trong trường hợp này thì không thể khởi kiện bất kỳ ai.
Thời gian gần đây, liên tiếp một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của nhiều công ty bị cơ quan chức năng tuýt còi. Tuy nhiên, thị trường về thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn như “nấm sau mưa” khiến người dùng “chóng mặt”, không tìm lối ra trước “ma trận” đầy mật ngọt.
Trước thực trạng này, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội để giúp người dùng có cái nhìn cẩn trọng hơn trước khi lựa chọn thực phẩm chức năng (TPCN) bảo vệ sức khỏe cho gia đình và bản thân.
NĐT: Thưa luật sư, trong trường hợp người tiêu dùng dùng TPCN nhưng gặp phải biến chứng thì có thể kiện ai? Đòi quyền lợi thế nào?
LS. Nguyễn Văn Tuấn: Việc sử dụng thực phẩm chức năng cũng cần phải có sự chỉ định của bác sĩ, chuyên gia y tế để đảm bảo hiệu quả sử dụng cũng như tránh những biến chứng xảy ra.
Do vậy, việc người dùng gặp phải biến chứng có thể do sử dụng không đúng cách gây ra. Trong trường hợp này, người dùng không thể khởi kiện bất kỳ ai.
Bên cạnh đó, cũng nhiều trường hợp người sử dụng gặp biến chứng là do thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không được cấp phép lưu hành trên thị trường, thậm chí là không có tác dụng, có chất gây hại cho sức khoẻ, tính mạng.
Trong trường hợp này, người bị biến chứng do sử dụng thực phẩm chức năng có thể khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng căn cứ theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".
NĐT: Có rất nhiều thực phẩm chức năng trên thị trường, cũng có khá nhiều thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng tuýt còi vì quảng cáo sai công dụng. Thế nhưng các đơn vị vẫn tiếp tục quảng cáo thổi phồng công dụng, phải chăng chế tài chưa đủ sức răn đe, thưa ông?
LS. Nguyễn Văn Tuấn: Về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ theo Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo:
Hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng;
Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, được sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,... có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này.
Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa 03 năm tù giam.
Với tổng hợp các hành vi của bên bán thực phẩm chức năng, đơn vị quảng cáo sẽ, hoặc có nguy cơ gây ra tổn hại sức khoẻ cho nhiều người thì các mức phạt trên là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần phải có những thay đổi cho phù hợp, tăng nặng mức phạt về cả hành chính lẫn hình sự và cũng cần siết chặt khâu quản lý để đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật trên thực tế.
NĐT: Cục An toàn thực phẩm là cơ quan cấp phép cho các TPCN có phải chịu trách nhiệm khi liên tiếp các sản phẩm thực phẩm chức năng bị phạt?
LS. Nguyễn Văn Tuấn: Mọi sản phẩm thực phẩm chức năng trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đều phải làm thủ tục công bố theo quy định của pháp luật.
Về thủ tục thực hiện tại Cục An toàn thực phẩm, cơ sở kinh doanh cần phải gửi hồ sơ (bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành, nghề kinh doanh thực phẩm; Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt GMP; Kết quả kiểm nghiệm (nếu có); Mẫu, nhãn sản phẩm cần công bố; Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc Giấy chứng nhận y tế đã được hợp pháp hóa lãnh sự; Hợp đồng gia công với nhà sản xuất ( có kèm theo GMP của nhà sản xuất)) tới Cục an toàn thực phẩm, sau đó Cục đánh giá trên hồ sơ và cho phép công bố.
Như vậy, việc được phép lưu thông sản phẩm còn phụ thuộc vào việc có Giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt GMP, kết quả kiểm nghiệm, Giấy lưu hành tự do/ Giấy chứng nhận y tế,... của các cơ quan có thẩm quyền.
Do đó nếu Cục an toàn thực phẩm khi thực hiện cấp phép lưu hành không kiểm tra lại thì sẽ có thể bỏ lọt những trường hợp làm giả các loại giấy phép hoặc các cơ quan kiểm nghiệm, cấp GMP cho kết quả không chính xác.
Trường hợp cơ sở, đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng không đủ các điều kiện nêu trên mà Cục An toàn thực phẩm vẫn cấp phép lưu hành thì người liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm về sai phạm đó trước pháp luật.
NĐT: Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận