Thực hư việc nhà đất Đà Nẵng sốt nóng trở lại
Giá nhà đất Đà Nẵng đang tăng trở lại từ sau Tết Tân Sửu, song theo các thành viên thị trường, giá tăng chỉ là chạm đáy và nảy nhẹ lên, chứ không có hiện tượng sốt nóng.
Chu kỳ lặp lại
Theo các đơn vị môi giới tại đây, thị trường bất động sản Đà Nẵng bắt đầu rục rịch tăng giá trở lại từ cuối tháng 12/2020 và rõ nét hơn kể từ giữa tháng 1/2021 đến nay, tập trung chủ yếu tại khu vực phường Hòa Xuân, Nam Hòa Xuân, Hòa Xuân mở rộng (thuộc dự án Khu đô thị Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Mức tăng được chia thành 2 giai đoạn, trước và sau Tết Tân Sửu. Cụ thể, trước Tết, mức tăng giá các lô đất nền tại các khu vực Hòa Xuân, Nam Hòa Xuân, Hòa Xuân mở rộng được ghi nhận tăng từ 100-200 triệu đồng/lô và sau Tết tăng thêm khoảng 100 triệu đồng/lô.
Thông tin cụ thể hơn, ông Phan Minh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc và xây dựng S-Germi cho biết, tính đến thời điểm này, tại khu vực Hòa Xuân mở rộng (khu Cồn Dầu), giá mỗi lô đất nền diện tích 100 m2 có mặt tiền đường rộng 7,5-10,5 m được các chủ đất rao bán từ 3,3-3,4 tỷ đồng/lô, trong khi trước Tết có giá 3,1-3,2 tỷ đồng/lô. Còn tại khu vực Đồng Nò, Nam Hòa Xuân, giá bán các lô đất có diện tích tương tự là 2,8-2,9 tỷ đồng/lô, tăng khoảng 100-200 triệu đồng/lô so với thời điểm trước Tết.
“Riêng khu vực Hòa Xuân, giá đất có tăng nhẹ, trong khi số lượng đất nền bán ra rất ít vì đã được xây dựng kín nhà ở và công trình”, ông Thắng nói và chia sẻ thêm, phần lớn các giao dịch đất nền khu vực này chủ yếu xuất hiện ở thời điểm trước Tết và cũng là lúc giá đất tăng, còn hiện tại cơ bản đã ngừng tăng, thanh khoản cũng chững hẳn lại.
“Diễn biến năm 2021 được lặp lại như năm 2020 khi giá đất nền Hòa Xuân tăng từ 100-200 triệu mỗi lô thời điểm trước Tết, trước khi chững lại vào sau Tết Âm lịch”, ông Thắng nói.
Giá tăng chưa đủ gây “sốt”
Thời gian qua, có nhiều luồng thông tin cho rằng bất động sản Đà Nẵng “sốt giá” trở lại là do TP. Đà Nẵng điều chỉnh giá đất chung. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng như thành viên thị trường bác bỏ lập luận này và cho rằng, có một số đối tượng đã cố tình tung tin này nhằm mục đích “kích cầu thị trường” cho dự án mới trước khi mở bán.
Theo các đơn vị môi giới, mức tăng giá hiện nay chưa thể gọi là tăng nóng hay sốt giá bởi biên độ tăng so với tổng giá trị một lô đất là không lớn, đồng thời việc tăng giá chỉ xảy ra cục bộ ở một số khu vực, chứ không diễn ra trên toàn thị trường. Đơn cử, trong khi các khu vực thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ có sự tăng giá thì ở chiều hướng ngược lại, tại khu vực Tây Bắc Liên Chiểu, giá đất gần như không có biến động so với năm 2020.
Anh Nguyễn Công Tuấn, nhân viên môi giới Văn phòng Nhà đất Minh Khang (khu vực dự án Golden Hills, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho biết, hiện mức giá đất nền các khu A, B, C thuộc dự án Golden Hills không những không tăng so với năm trước, mà còn giảm.
“Giá các lô khu A, B đã có sổ đỏ hiện ở mức 17-18 triệu đồng/m2, tương đương mức giá chủ đầu tư niêm yết khi mở bán mấy năm trước. Còn tại khu C, năm 2020, đơn vị phát triển dự án mua lại từ chủ đầu tư và mở bán với giá 26-27 triệu đồng/m2, thì nay đã giảm xuống 16-17 triệu đồng/m2, tức giảm gần 1 tỷ đồng mỗi lô. Giá giảm là vậy nhưng lượng giao dịch ở đây gần như không có”, anh Tuấn thông tin.
Còn theo chị Phong Kim Thiện, nhân viên tư vấn và môi giới đất lẻ tự do tại khu vực Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, giá đất khu vực này hiện đã giảm 1/3 so với mức giá thời kỳ cao điểm (tháng 3/2019) và nếu so với mức tăng “đột biến” giai đoạn 2017-2019, mức tăng 100-300 triệu đồng mỗi lô trong 3 tháng qua vẫn thấp hơn đáng kể.
“Phần lớn các giao dịch tập trung thời điểm trước Tết Tân Sửu và người mua chủ yếu mua để xây dựng nhà ở hoặc công trình kinh doanh, chứ không mua để đầu tư như trước kia. Vả lại, mức tăng giá 100-300 triệu đồng/lô đều ‘có thể chấp nhận” với cả người mua lẫn người bán, cho nên khó có thể khiến thị trường trở nên sốt nóng”, chị Thiện phân tích và chia sẻ thêm, hiện tại, người mua có xu hướng chọn mua đất ở những khu vực mới với giá vừa phải, điều này giải thích vì sao giá đất chỉ tăng tại một số khu vực như Nam Hòa Xuân hay Hòa Xuân mở rộng, chứ không phải toàn bộ thị trường địa ốc Đà Nẵng.
Chị Thiện cũng cho rằng, không thể phủ nhận có một số sàn và “cò” đất đã tiến hành gom đất từ trước Tết rồi đẩy giá lên nhằm tạo cơn sốt ảo, nhưng với những nhà đầu tư có kinh nghiệm thì họ sẽ nhận ra và không mua vào thời điểm này.
“Nếu nhà đầu tư còn kỳ vọng vào việc giá đất sẽ lên nhanh như giai đoạn 2017-2019 để ‘lướt sóng’ thu về lợi nhuận cao trong ngắn hạn thì rất dễ bị thua lỗ, bởi rất khó để giá đất Đà Nẵng tăng đất đột biến trong thời gian ngắn như trước đây. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư có nguồn lực tài chính tốt, có thể đầu tư đất nền cho mục đích dài hạn hơn, trong 2-3 năm chẳng hạn”, chị Thiện nêu quan điểm.
Ông Phan Thế Đức, Giám đốc Chiến lược Công ty cổ phần Bất động sản Đông Phong nhận định, cơ hội với thị trường bất động sản Đà Nẵng trong thời gian tới là rộng mở, bởi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong năm 2020.
“Sau 2 đợt dịch trong năm 2020, giá đất đã chạm đáy và không còn giảm tiếp trong lần bùng phát thứ 3 hồi đầu năm 2021. Đây là tiền đề để giá nhà đất Đà Nẵng tăng trưởng trở lại trong năm nay, từ đó mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư nếu đặt kỳ vọng ở tầm nhìn dài hạn”, ông Đức nói.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, chính quyền Thành phố hiện chưa có chủ trương tăng hệ số giá đất trong năm 2021, mà vẫn giữ nguyên như năm 2020. Thành phố sẽ chỉ xem xét bổ sung áp dụng hệ số giá đất ở những khu vực chưa áp dụng, hoặc điều chỉnh lại ở những nơi có hệ số giá đất chưa hợp lý và điều này không đủ để tác động khiến giá đất tăng nóng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận