Thực hư chuyện Việt Nam trở thành chủ nợ lớn thứ 32 của Mỹ?
Giới truyền thông nội địa đang xôn xao với thông tin “Việt Nam là chủ nợ lớn thứ 32” được công bố từ trang Statista gần đây. Nhiều nghi vấn đặt ra như phải chăng tiềm lực tài chính của nước ta đã thực sự vững mạnh, ngang tầm với các nước phát triển khác?
Theo bảng danh sách “Major foreign holders of U.S. treasury securities as of June 2021” trên Statista gần đây, Việt Nam hiện đứng 32 trong top 50 nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Cụ thể, Việt Nam đang nắm giữ hơn 39 tỷ đô la Mỹ trái phiếu chính phủ Mỹ. Số nợ Mỹ do nước ta cho vay tăng lên gấp 6 lần kể từ năm 2012.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, lượng trái phiếu của nước này nắm giữ trong tháng 6 năm nay đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 trong bối cảnh nhu cầu chung kéo lợi suất xuống.
Những người nắm giữ chính sở hữu 7.202 tỷ đô la Mỹ trái phiếu chính phủ Mỹ trong tháng 6, tăng so với mức 7.135 tỷ đô la Mỹ trong tháng Năm. Lượng nắm giữ của nước ngoài là cao kỷ lục thứ hai từ trước tới nay. Trong tháng Sáu, có 67 tỷ đô la Mỹ trái phiếu chính phủ Mỹ đã được mua, mức cao nhất trong một năm.
Các chuyên gia phân tích kinh tế cho biết việc Việt Nam cho Mỹ vay bao nhiêu thể hiện sức mạnh của Việt Nam vì đồng đô la của Mỹ là đồng tiền dự trữ chính trên thế giới nhờ hệ thống kinh tế chính trị ổn định của Mỹ suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, thực tế việc Mỹ “nợ” Việt Nam hơn 39 tỷ đô la Mỹ chính là con số phản ánh số trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam nắm giữ, hiện đang đang lưu ký tại các ngân hàng đặt tại Mỹ. Đây được xem là ngoại hối của Việt Nam.
Tất nhiên con số 39 tỷ đô la Mỹnày không phải là toàn bộ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Chúng chỉ chiếm gần 40% trongtổng số ngoại hối mà Việt Nam đang nắm giữ. Phần dự trữ ngoại hối còn lại có thể dưới ba dạng sau:
Thứ nhất, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dưới 10 năm. Bộ Tài chính Mỹ không có con số thống kê này cho Việt Nam.
Thứ hai, dự trữ ngoại hối không phải bằng đồng đôla Mỹ, như vàng, euro, yên Nhật.
Thứ ba, trái phiếu chính phủ Mỹ thuộc các kỳ hạn dài, nhưng Việt Nam lưu ký ở chỗ khác. Thực tế, phần lớn khối lượng trái phiếu chính phủ Mỹ do Bỉ nắm giữ thực tế là của Trung Quốc, do nước này có mở một tài khoản lưu ký tại Bỉ.
Theo báo cáo cập nhật vào tháng 3/2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ trong năm 2020 và dự báo tiếp tục vượt xa mốc 100 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021.
Dữ liệu của IMF cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối năm 2020 đã đạt 94,8 tỷ đô la Mỹ, đánh dấu chuỗi gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2016. Và theo dự báo của tổ chức này, quy mô đó sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021 với dự kiến đạt 113,7 tỷ đô la Mỹ.
Những con số ngoại hối, hay là “số nợ” mà Việt Nam cho Mỹ “mượn” ngày càng lớn dần qua từng năm chứng tỏ vị thế tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, theo các chuyên gia, nguồn dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao chứng tỏ Việt Nam có nguồn lực cho đà tăng trưởng mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận