Thực hiện mục tiêu kép: Phải song hành ổn định vĩ mô
Theo các chuyên gia kinh tế, để Việt Nam tiếp tục có động lực vượt "bão" Covid-19 và đạt mức tăng trưởng cao, bên cạnh thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch và tăng trưởng kinh tế, phải đặc biệt chú ý đến trụ cột thứ ba là ổn định vĩ mô.
Tăng "sức đề kháng" cho doanh nghiệp
"Làn sóng" dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh, khiến doanh nghiệp (DN) càng thêm suy kiệt bởi chi phí nguyên liệu đầu vào, dịch vụ hậu cần tăng mạnh. Theo báo cáo của Chính phủ, 5 tháng đầu năm nay, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng DN quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của DN đã suy giảm bởi dịch bệnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cần đánh giá được tác động của dịch Covid-19. Dịch lần này bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh - nơi chiếm 10% tổng vốn FDI và đóng góp 15% kim ngạch xuất khẩu của nước ta, do đó sẽ tác động rất mạnh đến 6 khía cạnh: Chuỗi cung ứng, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, lao động - việc làm, nợ xấu và thu ngân sách.
Chung mối quan tâm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương - cho biết, từ năm 1991 - thời điểm có Luật DN tư nhân đến nay, tổng số DN đã đăng ký thành lập khoảng 1,6 triệu, số DN đang hoạt động trên 800 nghìn. Tỷ lệ "sống sót" trên 50% là rất cao so với các nước trong nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) - thường phá sản trên 30% sau 2 - 3 năm và sau 4 - 5 năm, khoảng một nửa số DN sẽ rời khỏi thị trường.
Tuy vậy, việc đánh giá tình hình DN để xây dựng các chính sách hỗ trợ cực kỳ khó. Theo các chuyên gia, nên tập trung hỗ trợ vốn cho DN vừa và nhỏ; không ban hành các chính sách làm tăng chi phí, thêm gánh nặng cho DN. Đặc biệt, cần hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, nhất là các công nhân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt dịch này...
Chú trọng 3 trụ cột
Hiện, giá nhiều mặt hàng trong nước, trong đó có nguyên vật liệu như thép, dầu tăng cao. Trên thế giới, các nước triển khai những gói kích thích khổng lồ, những yếu tố này sẽ ảnh hưởng thế nào đến lạm phát? Theo TS. Cấn Văn Lực, chắc chắn lạm phát sẽ tăng nhưng chưa vượt mức Quốc hội cho phép do sức cầu còn yếu và vòng quay tiền rất chậm.
Ông Lực chỉ ra nhiều số liệu cho thấy: Lạm phát 6 tháng năm 2021 có thể khoảng 1,85 - 2%, cả năm 3,4 - 3,6%. "Để đánh giá tác động của giá hàng hóa thế giới với Việt Nam, chúng tôi đã tính toán cụ thể. Theo đó, giá dầu tăng 25 - 30% sẽ làm CPI chung cả năm tăng 0,42 - 0,61 điểm phần trăm. Nếu giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng 20 - 25%, CPI sẽ tăng nhẹ 0,02 - 0,03 điểm phần trăm. Tác động từ tăng chi phí logistics đến tăng giá hàng hóa và lạm phát của Việt Nam khó tránh khỏi. Đó là chưa kể áp lực từ độ trễ cung tiền, giá bất động sản, chứng khoán…" - TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Trong khi đó, theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, diễn biến lạm phát cho thấy, tình hình đáng lo ngại về kinh tế vĩ mô. Ổn định vĩ mô không chỉ là các chỉ số kinh tế mà còn về an sinh xã hội, lao động - việc làm… Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm đánh giá cả 3 trụ cột: Phòng, chống dịch, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận