Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt: cần tránh bên trọng, bên khinh
Việc giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vào lĩnh vực trung gian thanh toán cần được xem xét lại, nếu muốn thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã khuyến cáo như vậy tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định thay thế nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, do Ngân hàng Nhà nước và VCCI tổ chức hôm 11-12.
Không khuyến khích vốn ngoại?
Ông Nguyễn Thành Hưng, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng thương mại điện tử đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây nhưng tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn chiếm khoảng 80%. Do đó, theo ông Hưng, nên khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài để góp phần tăng tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Nishikawa, thành viên HĐQT Công ty CP dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (ví điện tử Payoo), cần cân nhắc kỹ về quy định giới hạn tỉ lệ của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi các nhà đầu tư ngoại tham gia lĩnh vực này không chỉ là vốn mà còn là cả công nghệ, điều kiện kỹ thuật.
Ông Phùng Anh Tuấn, phó tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cũng cho rằng dịch vụ trung gian thanh toán là ngành kinh doanh mới, sự tham gia của nhà đầu tư ngoại rất quan trọng trong việc cung cấp chuyên môn và công nghệ. Do đó, việc quy định trần tỉ lệ vốn góp sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) ở Việt Nam.
Để giám sát, kiểm soát các hoạt động vào lĩnh vực trung gian thanh toán, theo ông Tuấn, sẽ có nhiều giải pháp khác thay vì áp đặt tỉ lệ hạn chế cho toàn thị trường. Trong khi đó, luật sư Đặng Thanh Sơn (Công ty luật Baker McKenzie), bày tỏ lo ngại rằng việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại WTO, CPTPP.
"Bên trọng, bên khinh"?
Cũng tại hội thảo, bà Trương Cẩm Thanh, đại diện Zalo Pay, cho rằng dự thảo nghị định cho phép công ty viễn thông được định danh người dùng thông qua tài khoản viễn thông, không bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng là đối xử không công bằng với các trung gian thanh toán. Bởi với ví điện tử, người dùng phải có tài khoản ngân hàng. "Với quy định này, các đơn vị trung gian thanh toán không biết có thể mở rộng khách hàng như thế nào", bà Thanh băn khoăn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Diệp, đại diện ví điện tử MoMo, cũng bày tỏ lo ngại có sự "phân biệt đối xử" khi dự thảo quy định muốn mở đại lý thanh toán phải là doanh nghiệp thành lập được 12 tháng. Theo ông Diệp, phải để cho ngân hàng và trung gian thanh toán toàn quyền và chịu trách nhiệm trong việc mở đại lý, thay vì đưa ra quy định nêu trên.
"Chúng ta muốn phát triển, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trường hợp mở đại lý ở vùng sâu vùng xa thì quy định cần phải cởi mở hơn", ông Diệp nói.
Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cũng cho rằng không nên quy định điều kiện kinh doanh đối với đại lý thanh toán bởi không cần thiết, không tạo thuận lợi cho người kinh doanh. Ngoài ra, theo bà Thảo, cần xem xét lại quy định người dùng ví điện tử phải có tài khoản ngân hàng.
Ngăn chặn nguy cơ bị thao túng
Trao đổi tại hội thảo, ông Lê Anh Dũng, phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho rằng việc đưa ra giới hạn tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực trung gian thanh toán là phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo quyền lợi của các bên, thể hiện chủ quyền quản lý của VN trong lĩnh vực thanh toán.
Ngoài ra, theo ông Dũng, tỉ lệ 49% cũng đảm bảo được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, tránh được sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận