Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Cần sớm tháo gỡ những tồn tại về chính sách
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, chuyên gia cho rằng, cần sớm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế về chính sách liên quan đến: quỹ đất, thủ tục đầu tư, tài chính và đối tượng thụ hưởng…
Thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2022, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở trong khu vực đô thị và nhà ở dành cho công nhân trong khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế về quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, thủ tục đầu tư, tài chính và đối tượng thụ hưởng.
Và để thúc đẩy phát triển nhà ở theo những mục tiêu Đề án của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc về chính sách liên quan.
Việc phát triển nhà ở xã hội được cho vẫn tồn tại, vướng mắc từ cơ chế, chính sách - Ảnh minh họa: ITN
Chia sẻ về những tồn tại, hạn chế về phát triển nhà ở xã hội hiện nay, TS.Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đang thiếu do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa chủ động dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi phê duyệt quy hoạch theo quy định của Luật Nhà ở. Thậm chí có địa phương chỉ trông chờ vào 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội thông qua phát triển các dự án nhà ở thương mại.
Theo TS.Trần Ngọc Chính, các địa phương phải tạo quỹ đất sạch cho các dự án phát triển nhà ở xã hội và việc bố trí quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội phải thuận lợi nhất để mọi thành phần có thể chủ động tham gia phân khúc này. Tại khu công nghiệp khi quy hoạch phải dành 2% để xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cho người lao động.
“Quy hoạch phải dành 2% quỹ đất ở khu công nghiệp để xây dựng nhà ở xã hội, với cơ cấu hạ tầng xã hội phải đầy đủ, phải có các công trình hạ tầng xã hội. Phải có cơ chế, chính sách, đặc biệt tài chính phải trong sáng”, ông Chính chia sẻ.
Theo chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu Đề án Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đưa ra đối với phát triển nhà ở xã hội, cần sớm tháo gỡ những hạn chế đang tồn tại - Ảnh minh họa: ITN
Còn theo ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh Xây dựng dịch vụ Tư vấn Phú Quang, hiện nay, vấn đề pháp lý xin chủ trương xây nhà ở xã hội rất rườm rà khiến doanh nghiệp không mặn mà, kỳ vọng sớm có cơ chế gỡ khó.
“Hy vọng trong tháng 5, tháng 6 về mặt chính sách sẽ thông thoáng hơn, tôi nghĩ rằng từ đó sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Ngoài chính sách thì cái chính là nguồn tài chính hỗ trợ người nghèo, phải làm sao giúp người nghèo được vay lãi suất thấp, trong thời gian dài, đó là “chìa khóa” thành công của phát triển nhà ở xã hội”, ông Lợi bày tỏ.
Nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay, ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam, rất khó để tìm ra một mô hình đầu tư phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên khi phát triển dự án nhà ở xã hội. Có nhiều yếu tố cần xem xét kỹ lưỡng như điều kiện để mua nhà ở xã hội, cách thức phân phối cũng như quy định chuyển nhượng nhà ở xã hội.
Điều này sẽ rất khó để thực hiện trừ khi có một tổ chức riêng được thành lập để giải quyết được những vấn đề đó. Một vấn đề khác là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội hiện tại chưa đủ hấp dẫn, rất khó để đại bộ phận các chủ đầu tư trên thị trường tạo ra lợi nhuận từ dòng sản phẩm này. Đứng trước bài toán lợi nhuận, khối tư nhân vẫn đang tập trung ở các phân khúc cao hơn mà chưa chú trọng đến thị trường quan trọng này.
“Khi so sánh lợi nhuận 10%/năm khi đầu tư vào nhà ở xã hội với những rủi ro trong quá trình phát triển dự án, các doanh nghiệp có thể dễ dàng thu được 9,5%/năm từ việc gửi tiền ngân hàng, đây chưa hẳn là một kênh đầu tư có thể hấp dẫn các doanh nghiệp”, vị chuyên gia này đánh giá.
Theo ông Troy Griffiths, tại một số thị trường phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân có thể cung cấp một lượng lớn nguồn cung nhà ở bình dân, ví dụ như các dự án nhà ở công nhân ở gần khu công nghiệp. Mô hình này cũng có thể được ứng dụng cho Việt Nam trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất hiện nay cũng như rất nhiều nhà đầu tư quốc tế đang hứng thú với phân khúc nhà ở xã hội.
Bởi, nếu phân tích kỹ lưỡng, các dự án nhà ở xã hội không bắt buộc phải được bàn giao cùng lúc, cũng không phải tất cả chúng đều được yêu cầu phải được phát triển bởi Nhà nước. Trong đề án này, các doanh nghiệp cũng có thể tham gia để phát triển các dự án nhà ở bình dân, phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân. Riêng đối với các sản phẩm nhà ở xã hội, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và khối tư nhân. Tuy nhiên, chưa có quy định đầy đủ nào về điều kiện để xây dựng các dự án nhà ở xã hội đối với các chủ đầu tư quốc tế. Điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường nhà ở xã hội là một lộ trình dài hạn với dự án quy mô lên đến hàng chục nghìn căn hộ. Trong khi các dự án hiện nay tại Việt Nam vẫn đang được thực hiện một cách rời rạc.
“Nếu Việt Nam có một chiến lược rõ ràng và xuyên suốt được chỉ đạo và đảm bảo bởi Chính phủ, tôi tin rằng sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế bởi chỉ với dự án quy mô lớn mới có thể thu hút khối tư nhân về mặt lợi nhuận”, ông Troy bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận