Thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng
Điểm nghẽn trước mắt cần phải tháo gỡ đó là các trục giao thông kết nối Bình Phước với Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các tuyến từ khu công nghiệp đến bến cảng.
“Hạ tầng giao thông kết nối là vấn đề quan trọng và then chốt nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh Bình Phước thì điểm nghẽn về giao thông kết nối phải được tháo gỡ và đi trước một bước”, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước bày tỏ.
Ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước cho rằng, việc lựa chọn hướng ưu tiên chính xác trong khai thác, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tạo động lực mới cho phát triển; trong đó, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước.
“Ưu tiên của Bình Phước hiện nay là tập trung hệ thống giao thông kết nối 2 tuyến hành lang, gồm tuyến song song với Quốc lộ 13 kết nối từ khu công nghiệp Bàu Bàng với đường Minh Hưng - Đồng Nơ và tuyến song song với Quốc lộ 14 gồm trục đường Đồng Phú - Bình Dương kéo dài lên Bù Đăng”, ông Võ Sá cho biết.
Ngoài ra, Bình Phước đang triển khai thực hiện các dự án giao thông kết nối liên vùng như: Dự án đường Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Đắc Nông; dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư, kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải; dự án nâng cấp mở rộng ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, điểm nghẽn trước mắt cần phải tháo gỡ đó là các trục giao thông kết nối Bình Phước với Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các tuyến từ khu công nghiệp đến bến cảng. “Làm sao phải huy động được các nguồn lực để tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông để tạo động lực cho phát triển”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang còn quỹ đất công lớn (nguồn đất trồng cao su), chỉ cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 70 – 80 km. Khi các tuyến giao thông kết nối được khơi thông, thì đây sẽ là điều kiện rất tốt để sử dụng nguồn đất phục vụ phát triển công nghiệp.
“Bình Phước đang kiến nghị Trung ương cho chuyển đổi hàng chục ngàn ha đất trồng cao su để mở rộng các khu công nghiệp vì những khu công nghiệp này đã lấp đầy 90 – 100%”, ông Lợi cho biết.
Cuối tháng 9/2020 vừa qua, Bình Phước đã khởi công xây dựng 2 tuyến giao thông quan trọng gồm: tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bình Dương, Bình Phước đi cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và Campuchia chiều dài toàn tuyến 50km; nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 13 từ ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh, Bình Phước). Khi hoàn thiện, hai tuyến giao thông trên sẽ kết nối Tp. Hồ Chí Minh đi Bình Dương, Bình Phước qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và Campuchia.
UBND tỉnh Bình Phước đánh giá, hai tuyến giao thông trên sẽ là trục kết nối quan trọng phía tây của Bình Phước, khi đưa vào khai thác sẽ giúp khơi thông điểm nghẽn về kết nối liên vùng.
Tiến sĩ Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định: Những nỗ lực tự thân của Bình Phước là cần thiết, nhưng nếu không cải thiện được hệ thống giao thông kết nối vùng theo quy hoạch thì Bình Phước tuy cách trung tâm Tp. Hồ Chí Minh khoảng 100km, nhưng vẫn là “vùng sâu, vùng xa”.
“Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống đường cao tốc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và các năm sau, có chiều dài 500km. Tuy nhiên đến nay mới đưa vào sử dụng được 92 km, nên sự bấp bênh của hạ tầng giao thông là trở lực chính trong liên kết phát triển vùng”, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, định hướng chiến lược của Bình Phước thời gian tới cần phải đặt trong mối quan hệ kinh tế vùng, bao gồm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, trước mắt là đối với Đắk Nông và Đắk Lắk.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bình Phước phải là cầu nối, là “bệ đỡ” cho vùng Tây Nguyên cất cánh. Vì hiện nay trục giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên đi đến cảng biển vùng duyên hải miền Trung và các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam quá xa. Do đó, Bình Phước phải là “bệ đỡ” và là điểm tiếp nối để kết nối liên vùng.
Theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Trong đó tập trung cho 2 địa phương trọng điểm là huyện Đồng Phú và Chơn Thành, để hình thành tam giác phát triển Đồng Phú – Đồng Xoài – Chơn Thành.
Bên cạnh đó, Bình Phước ưu tiên phát triển 2 tuyến hành lang song song quốc lộ 13 và quốc lộ 14 và các tuyến kết nối nội tỉnh để tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông, giúp Bình Phước từ một địa phương “dự trữ phát triển” chuyển sang “động lực phát triển”./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận