Thua lỗ liểng xiểng, chủ quán cà phê ồ ạt thanh lý, sang nhượng cả quán
Vắng khách, khó khăn do dịch, nhiều chủ quán cà phê không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc thanh lý quán để cắt lỗ.
Riêng tại Hà Nội, từ tháng 8 đến nay rất nhiều chủ quán hết khả năng chèo chống đã rao sang nhượng quán hoặc thanh lý bàn ghế, đồ đạc với giá bèo.
Chị Nguyễn An Tâm, chủ một quán cà phê trên phố Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, chị mở quán cà phê từ đầu năm 2020, những tưởng sau đợt dịch hồi tháng 3 và tháng 4 việc kinh doanh sẽ trở lại bình thường, nhưng không ngờ cho đến nay việc kinh doanh lại khó khăn như vậy.
Quán cà phê này được chị An đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng cho chi phí thiết kế và trang bị nội thất. Mới đây, chị còn sửa chữa hệ thống điện nước của cửa hàng, lắp thêm camera an ninh,… và đặc biệt là mua sắm thêm thiết bị nhà bếp để kinh doanh thêm cơm văn phòng như một giải pháp tình thế để vượt qua khó khăn.
Nhưng mọi việc không như dự tính, việc xoay sang bán cơm văn phòng cũng không vực dậy được công việc kinh doanh nên chị đành chấp nhận cắt lỗ bằng việc thanh lý quán cà phê yêu thích với giá 130 triệu đồng, bao gồm cả 2 tháng tiền nhà (18 triệu đồng/tháng).
Chị Phạm Lê, chủ một quán cà phê ven hồ trên phố Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, một con phố rất thích hợp cho việc mở quán cà phê. Chị cho biết đã từng một lần đăng tin thanh lý quán, nhưng vì tiếc vị trí quá đẹp nên lại thôi. Tuy nhiên, đến thời điểm này chị đành phải thanh lý quán 25m2 với giá chỉ 70 triệu đồng.
Ngay cả ở vị trí đắc địa như ngã tư Kim Ngưu – Lò Đúc, một khu phố cà phê mới nổi của khu vực, một quán cà phê 4 tầng cũng được chủ quán rao thanh lý toàn bộ bất chấp việc đã được chủ nhà giảm 30% tiền thuê nhà.
Việc thanh lý toàn bộ quán cà phê là điều bất đắc dĩ ở thời điểm hiện tại, nhưng dẫu sao bán đi được cả lô còn đỡ hơn những quán phải chấp nhận việc thanh lý từng món đồ riêng lẻ như: bộ bàn ghế, quạt điện, máy in bill, máy vắt cam, máy pha cà phê, máy xay sinh tố,…
và cả máy tính tiền cũng nằm trong danh mục... thanh lý
“Nhiều người thích mua lẻ từng món vì như vậy họ có thể lựa chọn theo ý muốn. Thông thường thì khách mua thanh lý như vậy là những người đang kinh doanh quán cà phê, họ mua để bổ sung cho những thứ còn thiếu, giá vừa rẻ, lại được như ý muốn,” – chị Hoài, chủ một cửa hàng cà phê ở Hà Đông cho biết.
Theo thông tin rao bán của các chủ cửa hàng, những thiết bị, máy móc đều được họ bán với giá chỉ còn một nửa so với giá mua mới. Chẳng hạn như một cửa hàng cà phê ở 31 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, rao bán máy pha cà phê với giá 15 triệu đồng (trong khi mua mới với giá 19,4 triệu đồng) tặng kèm 5kg cà phê hạt trị giá 1,5 triệu đồng; một máy ép trái cây mua mới 8,4 triệu đồng nhưng cửa hàng này chỉ bán với giá 4 triệu đồng; và một loạt các vật dụng khác đều được bán với giá quá hời, nhất là khi cửa hàng này mới chỉ hoạt động được… 6 tháng.
Việc ồ ạt thanh lý các quán cà phê nhằm cắt lỗ cũng khiến cho số khác bị “vạ lây” do bị người mua ép giá. Chủ một cửa hàng cà phê trên phố Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy cho biết: Cửa hàng cà phê, cơm văn phòng của chị có lượng khách khá ổn định, thậm chí có nhiều người còn muốn thuê chung để bán đồ ăn sáng. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình bắt buộc chị phải thanh lý tất cả để về quê cùng chồng con, nên chị đành bán rẻ với giá chỉ hơn 100 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức đầu tư 280 triệu đồng ban đầu.
Nhiều quán mới mở được nửa năm nhưng chủ quán vẫn "tháo chạy"
Với việc nhiều chủ quán “tháo chạy” khỏi lĩnh vực kinh doanh cà phê, đây được xem là thời điểm có thể tham gia thị trường đối với những người đang ý tưởng mở một quán cà phê.
Tuy nhiên, cần xem xét kỹ những yếu tố như: vị trí, lượng khách, đối tượng khách hàng mục tiêu, phong cách bài trí,… Đặc biệt, cần hết sức tỉnh táo khi mua lại một quán cà phê “thanh lý giá rẻ”, bởi không nhiều người bán tự nhận “thất bại” mà họ thường viện dẫn những lý do khác nhau để biện minh cho những khó khăn khiến họ phải rút lui.
Hiền Anh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận