Thua kiện, Điện lực Miền Trung phải thanh toán 11 tỉ đồng cho 2 doanh nghiệp
Bị xử thua kiện, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai buộc thanh toán trên 11 tỉ đồng tiền mua bán điện và lãi suất chậm thanh toán cho 2 doanh nghiệp.
Ngày 25-10, TAND tỉnh Gia Lai cho biết Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai đã có đơn kháng báo bản án số 17/2022/KDTM-ST ngày 15-9-2022 về tranh chấp hợp đồng mua bán điện của TAND TP Pleiku.
Theo đó, từ tháng 9-2021, Tổng công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai đã bị Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh (gọi tắt là Công ty Thanh Danh) và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát (gọi tắt là Công ty Vạn Phát, cùng do bà Nguyễn Thị Mộng Huyền làm giám đốc) khởi kiện ra TAND TP Pleiku buộc thanh toán tiền mua điện theo hợp đồng đã ký kết.
Hơn một năm sau, TAND TP Pleiku đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Theo HĐXX, ngày 26-12-2020, bên bán điện là hộ kinh doanh Chư Ngọc Huyền (sau này chuyển chủ thể bên bán điện trong hợp đồng sang Công ty Thanh Danh) và Công ty Vạn Phát (gọi tắt là bên A) ký hợp đồng mua bán điện hệ thống mặt trời mái nhà với Công ty Điện lực Gia Lai (theo uỷ quyền của Tổng Công ty điện lực Miền Trung) (gọi tắt là bên B).
Trong 3 tháng (tháng 12-2020, tháng 1 và tháng 2-2021), bên B đã thanh toán đầy đủ tiền mua điện cho bên A. Từ tháng 3-2021, Điện lực Gia Lai với lý do bên A đã vi phạm khi nâng công suất vượt công suất trong hợp đồng đã ký kết, tương ứng với 953 tấm pin lắp dư là vi phạm hợp đồng nên không xác nhận sản lượng điện sản xuất để thanh toán tiền điện.
Tuy nhiên, bên A cho rằng quy kết trên là không hợp lý, không phù hợp với thỏa thuận tại hợp đồng đã ký kết và các quy định của pháp luật. Bên A có nhiều văn bản đề nghị bên B thanh toán tiền điện theo hợp đồng đã ký kết.
HĐXX nhận định khi nghiệm thu đưa vào đấu nối 2 hệ thống điện là không có kiểm đếm số lượng tấm pin cụ thể; khi đang xác định có hay không vi phạm về lắp đặt tấm pin mới thì bên A không thể tự lắp đặt thêm tấm pin năng lượng để làm bất lợi thêm cho mình; hợp đồng mua bán điện giữa hai bên thống nhất điện năng mua bán không xác định theo công suất lắp đặt mà căn cứ vào sản lượng điện năng thực thế của bên A sản xuất được, phát lên lưới của EVNCPC thông qua công tơ đó đếm.
Như vậy, sản lượng điện thực tế mà bên A phát lên lưới của EVNCPC có thể cao hơn, thấp hơn và thay đổi phụ thuộc vào điện năng sản xuất được. Đặc biệt, chưa vượt quá đỉnh công suất lắp đặt (không quá 1MW và 1,25 MWp) mà pháp luật quy định thì cần bảo vệ quyền lợi theo đúng tinh thần "Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam"…
Quyết định buộc Tổng công ty Điện lực Miền trung và Công ty Điện lực Gia Lai phải thanh toán tiền mua điện và tiền chậm thanh toán cho 2 doanh nghiệp của TAND TP Pleiku
Từ các nhận định trên, TAND TP Pleiku quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thanh Danh và Công ty Vạn Phát. Buộc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai phải thanh toán cho 2 công ty trên tổng số tiền trên 11 tỉ đồng gồm tiền bán điện và tiền lãi suất do chậm thanh toán theo lãi suất ngân hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Mộng Huyền, giám đốc 2 công ty nói trên, bản án thấu tình, đạt lý. Trong thời gian bị ngừng thanh toán điện, các doanh nghiệp của bà đã gặp nhiều khó khăn. "Có được kết quả như thế này sẽ an ủi nhà đầu tư chúng tôi sau bao nhiêu tháng thất vọng và chán nản khi hầu như bị các cơ quan chức năng bỏ rơi" – bà Huyền bày tỏ.
Nhiều hệ thống điện cũng bị ngừng thanh toán Từ tháng 5-2022, hàng trăm hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng bị Công ty Điện lực Gia Lai ngừng thanh toán tiền mua bán điện theo hợp đồng đã ký kết. Nguyên nhân là do Sở Công Thương Gia Lai cho rằng các hệ thống điện mái nhà chưa có thỏa thuận hướng tuyến hoặc chấp nhận vị trí xây dựng đường dây và trạm biến áp trung áp đấy nối vào hệ thống điện mặt trời mái nhà. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cho rằng Công ty Điện lực Gia Lai đơn phương dừng thanh toán tiền điện với lý do doanh nghiệp còn thiếu thủ tục thỏa thuận hướng tuyến và vị trí xây dựng trạm biến áp là chưa đúng quy định, gây khó khăn về tài chính của doanh nghiệp. Sau khi chủ các hệ thống điện liên tục gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương Gia Lai, Công ty Điện lực Gia Lai thì Công ty Điện lực Gia Lai đã phải thanh toán tiền mua điện theo hợp đồng đã ký kết cho các doanh nhà đầu tư. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận