Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện chính sách đãi ngộ giáo viên
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn thiện chính sách tuyển dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng tương xứng công sức.
Chiều 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Thủ tướng cho rằng, kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay mang lại cơ hội và không ít thách thức mới, nhất là với đội ngũ nhà giáo, hạt nhân trong sự nghiệp trồng người. Giáo dục và đào tạo cần được coi là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Để học sinh phát triển toàn diện thì gia đình, nhà trường, xã hội phải là ba trụ cột chính để phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo, giúp học sinh hình thành tình yêu thương, trung thực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn...
"Giáo dục cần bám sát nguyên tắc chấp nhận khác biệt, khuyến khích tư duy phản biện để phát huy cao nhất trí tuệ, phẩm chất học sinh", Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, phát triển giáo dục và đào tạo cần tìm câu trả lời cho các câu hỏi, như phải làm gì để đổi mới giáo dục thực chất, cải thiện nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh? Cần làm gì để giáo dục đào tạo gắn kết với nhu cầu, lợi ích, đời sống? Người học nắm được gì, phát triển nhận thức như thế nào, ứng dụng và thực hành trong công việc và cuộc sống ra sao? Giải pháp nào để cải thiện cơ sở vật chất cho việc dạy và học? Cần cơ chế, chính sách gì để nâng cao đời sống, để giáo viên yên tâm cống hiến?
Ông nhấn mạnh, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục, muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực. Và muốn phát triển con người thì phải dựa vào giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục và đào tạo muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo đóng vai trò quyết định.
Năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ thì nay Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong hai nước phát triển ấn tượng và tiên phong đổi mới giáo dục. Trong hai năm Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, các thầy cô giáo đã cố gắng để việc dạy và học không bị ngắt quãng, "dừng đến trường, không dừng việc học".
Thủ tướng xúc động khi nhiều thầy cô leo ghềnh, vượt thác, gác lại niềm riêng, chấp nhận ở những nơi khó khăn, heo hút với cơ sở vật chất thiếu thốn để "gùi con chữ" lên vùng cao, mang kiến thức đến với đồng bào. Vì vậy, ông yêu cầu các Bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện chính sách tuyển dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng tương xứng công sức. Giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non hoặc giảng dạy ngành nghề nặng nhọc cần phải được quan tâm hơn.
Tại cuộc gặp, giáo viên mầm non Phạm Thị Tâm (Đồng Xuân, Phú Yên), chia sẻ cô đến giảng dạy ở vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất của tỉnh vì nghĩ "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai". Dù một tuần, nửa tháng mới về nhà, đường đi khó khăn, cuộc sống thiếu thốn nhưng cô luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Cô Tâm cho biết "chứng kiến nhiều gia đình đồng bào dân tộc Ba Na còn thiếu thốn, thương họ vô cùng, và nhớ đến hình ảnh cơ cực của bản thân, gia đình trước đây". Hình ảnh những ngôi nhà xập xệ trước gió mưa, cụ già ăn cơm với muối, những đứa trẻ đầu trần chân đất khiến cô luôn trăn trở "mình là giáo viên, phải làm cách nào giúp học sinh vượt qua nghịch cảnh để vươn lên".
Không chỉ dạy học, cô Tâm giúp người dân làm ăn và chi tiêu hợp lý. 5 năm qua, cô gom được hơn 300 bao đồ chở đến cho người dân nơi công tác. Cô hướng dẫn phụ huynh nấu ăn, nấu cháo dinh dưỡng, làm sữa chua, bánh. Cô dạy người dân cách chữa bệnh bằng thuốc thay vì cúng bái. Cô mở hai thư viện với hơn 1.000 đầu sách; xin tài trợ 50 xe đạp cho học sinh nghèo.
Cô Tâm nói, chỉ nghĩ đơn giản là giúp được người dân đến đâu thì giúp, "vì thêm chiếc áo là thêm em bé được ấm áp, thêm tấm chăn là thêm giấc ngủ trọn vẹn, thêm ký gạo là thêm một ngày no. Nhiều giọt nước sẽ tạo thành biển lớn, nhiều sự chia sẻ sẽ chiến thắng khổ đau, nhiều điều nhỏ bé sẽ lan tỏa để thắp ước mơ, mở ra tương lai tốt đẹp cho các em và bản làng vào ngày mai tươi sáng".
Thầy Võ Văn Sen, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP HCM có hơn 40 năm giảng dạy, cho rằng đã đến lúc Việt Nam có biện pháp đặc biệt, mang tính nhảy vọt để ưu tiên phát triển giáo dục.
Thầy Nguyễn Vũ Quốc Huy, Đại học Y dược, Đại học Huế, thì đánh giá tự chủ đại học dù đạt nhiều thành quả nhưng có những điểm chưa thống nhất, hài hòa trong văn bản pháp quy. Ông mong các cơ quan tháo gỡ vướng mắc này để tạo điều kiện tối đa cho giáo dục đại học phát triển mạnh.
Hôm 4/11, tại Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói, để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, vấn đề cấp bách là tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học.
Hiện mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác, bình quân đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Khi dạy được 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong 2-3 năm đầu.
Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) thì lương sau 5 năm công tác có thể đạt 6 triệu đồng, nhưng số lượng không nhiều.
Chỉ 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn thầy cô bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học. Nguyên nhân chủ yếu là lương quá thấp, trong khi công việc quá nhiều vì giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận