Thủ tướng: TP.HCM cần phát huy là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước
TP.HCM cần phát huy vai trò của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, trong đó đề cập thực trạng phát triển, quản lý đô thị, liên kết vùng và định hướng giải pháp trong thời gian tới.
Yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với TP.HCM và một số địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tổ chức tại TP.HCM sáng 7/5.
Thủ tướng nhấn mạnh, vai trò của TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ rất quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước, là đầu kéo quan trọng của nền kinh tế của cả nước. Cụ thể, Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ đóng góp một tỷ lệ rất lớn về tăng trưởng; dân số trên 20 triệu người, chiếm hơn 20%, trong đó hơn 11 triệu lao động, năng suất lao động của vùng gấp 1,8 lần bình quân cả nước, GDP gấp 1,75 lần bình quân cả nước và chiếm một tỷ lệ rất cao trong tổng GDP cả nước; nông nghiệp chỉ còn 6%, rất thấp; số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao của cả nước.
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các địa phương Vùng kinh tế Đông Nam Bộ đánh giá kinh tế xã hội, thực trạng, kiến nghị, đề xuất phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, các địa phương cần làm rõ những nét nổi bật về kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của địa phương trong 5 năm qua. Đặc biệt là cách vận dụng sáng tạo mô hình mới, những thành công, những hiệu quả, những vướng mắc, những nút thắt, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết hiện nay đối với khu vực. Cùng với đó, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong thời gian tới.
Với TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ việc phát huy vai trò của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, trong đó đề cập thực trạng phát triển, quản lý đô thị, liên kết vùng và định hướng giải pháp trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với những ý kiến của địa phương tại buổi làm việc, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổng hợp, phân tính, đánh giá cùng với tình hình cả nước để xây dựng báo cáo chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Trước đó, theo báo cáo của UBND TP.HCM về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trên địa bàn TP, kinh tế TP.HCM duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý trong điều kiện có nhiều khó khăn, thử thách, giai đoạn 2011 - 2016, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) ước tăng bình quân 7,83%/năm; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 8,36%, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2018 đạt 6.065USD, cao gấp 2,34 lần so với cả nước (2.587 USD), ước đến năm 2020 đạt 7.500 USD cao gấp 1,8 lần so với năm 2011 (4.157 USD) và gấp 1,35 lần so với năm 2016 (5.573 USD).
Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP và tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2011 chiếm 58,92%, năm 2018 chiếm 61,43%, ước đến năm 2020 tiếp tục giữ vững trên 60%. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đến năm 2018 chiếm 23,37% trong GRDP, thấp hơn so với năm 2011 (24,2%) và năm 2016 (23,67%). Giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp chiếm bình quân giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 96,5% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng dần hàng năm, năm 2016 tăng 7,33%, năm 2017 tăng 7,45% và năm 2018 đạt 7,98%.
Về phát huy vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, theo UBND TP.HCM, trong giai đoạn vừa qua, cơ cấu kinh tế các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao về chất và lượng, đã tổ chức huy động được các nguồn lực đầu tư (đặc biệt nội lực liên kết vùng), môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, nhiều dự án phát triển sản xuất - kinh doanh đã hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia.
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, TP.HCM triển khai hiệu quả Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để TP phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Đồng thời, TP cũng tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. Tập trung nguồn lực phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái. Quan tâm phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, nâng cao tỷ trọng yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP), sử dụng toàn diện và hiệu quả các nguồn lực, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, TP cũng đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận