Thủ tướng: Thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng với nhiều điểm sáng
Sáng 2/7/2020, Chính phủ đã họp trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng dự và chủ trì Hội nghị.
Kiểm soát được Covid-19 là thành công lớn
Mở đầu bài phát biểu khai tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã có đối sách đúng, chỉ đạo quyết liệt đồng bộ, đặc biệt là được sự ủng hộ quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân.
“Chúng ta đã sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng an ninh của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, thế giới đánh giá cao thành quả trong chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của nước ta. Đây là thành công rất lớn của toàn Đảng, toàn quân toàn dân, thắng lợi của hệ thống chính trị, chế độ nước ta.
Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế nước ta trong Quý II. Chính vì vậy, nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết. Chúng ta đưa ra phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát tốt dịch bệnh.
Một tinh thần trong chỉ đạo đó là kiên quyết không để Covid-19 không quay lại nước ta. Đồng thời, tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng đáp ứng với nguyện vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động lớn do dịch bệnh gây ra.
Nêu một vài thông tin về tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng cho biết kinh tế nhiều quốc gia tiếp tục xấu đi nhanh chóng do đại dịch diễn biến phức tạp. Những ngày gần đây Covid-19 có sự lan rộng, chưa dự báo được thời điểm kết thúc do chưa có vắc xin.
OECD đưa ra 2 kịch bản: Nếu đại dịch bùng phát lần hai, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm gần 8%, còn nếu tránh được dịch bùng phát lần hai thì giảm khoảng 6%.
Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm đến 5,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ đại suy thoái năm 1929-1933, trong khi đại khủng hoảng tài chính 2007-2008 chỉ giảm 1,73%. Trong báo cáo cập nhật ngày 24/6/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh (4,9%).
Đối với trong nước, ảnh hưởng của Covid-19 đến Việt Nam rõ hơn trong Quý II/2020, khi GDP chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%.
“150 năm qua chưa bao giờ có khủng hoảng y tế ảnh hưởng đến kinh tế như hiện nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Kích cầu du lịch, hàng không nội địa khá thành công
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, nhìn vào tổng thể khó khăn chung như vậy nhưng chúng ta vẫn dành được nhiều kết quả, nhiều điểm sáng quan trọng như: kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế. Xuất siêu 4 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng, thu ngân sách đạt khá. Tỷ giá ổn định. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, tháng 5 tăng 11,9% so với tháng 4 và tháng 6 tăng 10,3% so với trong tháng 5.
Đáng chú ý, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành nghề chế biến, chế tạo cho thấy đa số doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh Quý III/2020 sẽ ổn định và tốt hơn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6 tăng 27,9%.
Tính chung 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4%. Đời sống nhân dân được bảo đảm, số hộ thiếu đói giảm đến 74,6% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, đánh giá cao sự chuyển biến nhanh nhạy của lĩnh vực du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kích cầu du lịch và hàng không nội địa khá thành công. “Các khách sạn từ TP HCM, Phú Quốc cho đến khu vực miền Trung, miền Bắc gần như kín chỗ. Khách nội địa tăng cao hơn so với cùng kỳ”, Thủ tướng nói.
“Chúng ta đã sớm phát động tinh thần du lịch nội địa, xử lý vấn đề thiệt hại do phần lớn mục tiêu 20 triệu lượt khách quốc tế không đến được Việt Nam do dịch bệnh Covid-19” - Thủ tướng ghi nhận.
Cho rằng trong khi cả thế giới suy thoái nặng nề nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng, đang trên đà phục hồi với nhiều điểm sáng, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là minh chứng rõ nét của định hướng đúng với các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Kết quả đạt được góp phần quan trọng nhằm củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhân dân, quốc tế vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta”.
Dẫn lại một số đánh giá của quốc tế, Thủ tướng cho biết, nhờ ngăn chặn được dịch bệnh nên cái tên “Việt Nam” đang được chú ý giữa các nền kinh tế mới nổi. Việt Nam đang viết nên câu chuyện đặc biệt của chính mình.
“Dù tăng trưởng thấp nhưng trong bối cảnh quốc tế như vậy, chúng ta phải chủ động, vững tin trong hoạch định đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, đất nước chúng ta mỗi khi gặp gian khó là lúc thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của dân tộc ta. Đó là thời điểm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng mong muốn các địa phương cùng thảo luận, hiến kế đưa ra các giải pháp cấp bách nhằm phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận