Thủ tướng: EVN phải cân bằng tài chính, không để thiếu điện lúc cao điểm nắng nóng
Làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập đoàn này tái cấu trúc theo hướng cân đối được tài chính và khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại.
Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh
Theo báo cáo của EVN, 2023 là năm tập đoàn này gặp nhiều khó khăn khi để xảy ra thiếu điện tại miền Bắc trong cuối tháng 5, nửa đầu tháng 6.
Giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện giảm so với 2022, nhưng vẫn ở mức cao khiến EVN tiếp tục lỗ, mất cân đối tài chính. Một số cán bộ, nhân viên bị kỷ luật, xử lý hình sự.
EVN gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 khi để xảy ra thiếu điện tại miền Bắc trong cuối tháng 5
Cụ thể, lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong năm 2023 đạt trên 280 tỷ kWh, tăng trên 4,5% so với năm 2022. Điện thương phẩm trên 251 tỷ kWh, tăng 3,5%.
Đến nay, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống trên 80.000 MW, đứng đầu khu vực ASEAN. Trong đó nguồn của EVN và các đơn vị thành viên là gần 30.000 MW, chiếm trên 37%.
EVN đầu tư các dự án với giá trị khối lượng đạt 90.997 tỷ đồng. Trong đó, đang khẩn trương thi công 3 dự án nguồn điện trọng điểm với tổng công suất trên 2.200 MW, khởi công 146 dự án và hoàn thành 163 dự án lưới điện 110 - 500kV.
Năm 2024, EVN cho biết sẽ tập trung đảm bảo cung ứng đủ điện, tăng tốc đầu tư xây dựng, đổi mới quản lý triệt để nâng cao năng suất lao động.
Trong đó, sản lượng điện thương phẩm năm 2024 là 262,26 tỷ kWh và sẵn sàng với phương án cao 269,3 tỷ kWh; tăng năng suất lên trên 8%; đầu tư đạt 101.911 tỷ đồng; đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với EVN, ngày 13/1. Ảnh: VGP
Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, vị trí của ngành điện, quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước không thể thiếu điện, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng không thể thiếu điện.
Thủ tướng nêu rõ, ngành điện gồm 5 khâu: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện, giá điện, với 6 yếu tố đầu vào, gồm than, dầu, khí, nước, nắng và gió.
Do đó, việc nghiên cứu, vận hành, phối hợp giữa các khâu phải hợp lý, khoa học, vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phù hợp xu thế, quy luật, điều kiện, hoàn cảnh đất nước và truyền thống ngành điện, khả năng tiêu dùng của người dân.
Nhấn mạnh vai trò, vị trí của ngành điện, quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước không thể thiếu điện, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng không thể thiếu điện, Thủ tướng cho rằng các kết quả đạt được vừa qua có đóng góp của EVN.
Bên cạnh đó, Thủ tướng biểu dương việc khởi công dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) với tinh thần chỉ bàn tiến, không bàn lùi, "vượt nắng thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên Tết.
EVN phải cân bằng tài chính
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng EVN còn một số khó khăn, thách thức, hạn chế, như năm 2023 vẫn để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ; công tác đầu tư xây dựng chưa đạt mục tiêu kế hoạch, một số dự án nguồn điện và lưới điện tiến độ triển khai chậm...
Do đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo và toàn thể cán bộ, người lao động EVN trên từng cương vị công tác của mình tự rà soát, đánh giá để rút ra các bài học kinh nghiệm và chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp.
“Những khó khăn hiện nay của ngành điện mang tính sự cố, tình thế hơn là hệ thống. Phải bình tĩnh, bản lĩnh, không lơ là, chủ quan, không hoang mang, lo sợ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Quản lý, điều hành ngành điện, nhất là giá cả theo quy luật thị trường nhưng có chính sách với các đối tượng an sinh xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu EVN tái cấu trúc theo hướng cân đối được tài chính và khắc phục hạn chế, yếu kém. Quá trình này phải gắn với phòng, chống tiêu cực và bảo vệ, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm.
Trước đó, cuối 2023, một số vị trí lãnh đạo trước đây của EVN bị kỷ luật khiển trách do chịu trách nhiệm trong cung ứng, để xảy ra thiếu điện tại miền Bắc.
Sau 2 lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân trong năm ngoái, thêm 7,5%, EVN vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Tập đoàn này ghi nhận năm thứ hai liên tiếp lỗ sản xuất kinh doanh, khoảng 17.000 tỷ đồng năm 2023. Mức này giảm hơn 9.000 tỷ đồng so với năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận