Thủ tướng đề nghị các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng nhà ở xã hội
Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng chủ động trong tham gia các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tín dụng nhà ở xã hội.
Ngày 4/8, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo NHNN và lãnh đạo các ngân hàng thương mại.
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Tại buổi làm việc, Thủ tướng chia sẻ khó khăn, thách thức mà ngành Ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng gặp phải khi vừa chống dịch, vừa làm trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh doanh. Thủ tướng cho rằng, trong môi trường điều kiện như nhau, một số ngân hàng đã thực hiện tốt công tác quản trị, hoạt động, kinh doanh hiệu quả nên đã có được được lợi nhuận khả quan.
Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp tích cực, quan trọng của các ngân hàng với công tác phòng, chống dịch Covid-19 về vắc xin, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế...
Theo Thủ tướng, chúng ta vẫn đang làm chủ được tình hình và đã đạt được những kết quả tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển. Thời gian tới đất nước ta có những cơ hội và thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức là rất lớn do áp lực lạm phát, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường...
Trước bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị NHNN cùng các ngân hàng thương mại góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương nói trên. Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi, đề nghị tới các ngân hàng thương mại thực hiện 2 thông điệp.
Thứ nhất, các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn, thách thức hiện nay.
Thứ hai, các ngân hàng chủ động, tích cực hơn nữa trong tham gia các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tín dụng phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
Chuyển đổi số ngân hàng giúp tiết giảm chi phí
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho rằng, ngành ngân hàng có vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nếu hoạt động ngân hàng không hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, một số NHTM đạt được kết quả kinh doanh tốt nhờ việc ngày càng quản lý tốt hơn hoạt động của mình, đặc biệt là các khoản nợ xấu nên giảm được việc trích lập dự phòng rủi ro. Một số ngân hàng cũng xử lý được các khoản nợ ngoại bảng đã góp phần vào bảng cân đối và lợi nhuận ngân hàng.
Đặc biệt, các ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số nên đã tiết giảm được chi phí hoạt động. Đây là biểu hiện tích cực của ngành Ngân hàng thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng cho rằng một số ngân hàng đạt lợi nhuận tốt là nhờ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế. Ngành ngân hàng vững mạnh, an toàn, ổn định là rất quan trọng, là tiền đề thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.
Ông cũng khẳng định, các NHTM luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nền người dân, doanh nghiệp và gắn hoạt động của ngân hàng với hoạt động chung của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết thêm, VPBank đã và đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ an sinh xã hội và cam kết sẽ tích cực tham gia chương trình tín dụng về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.
Trước đó, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã có báo cáo về tình hình hoạt động tiền tệ, lãi suất, tín dụng 6 tháng đầu năm.
Với hoạt động tín dụng về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp, NHNN bám sát chủ trương của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp.
Trên cơ sở đó, NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng dòng vốn tín dụng vào phân khúc nhà ở giá rẻ cũng như tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai, xây dựng nhà ở xã hội. Qua đó, hệ thống các tổ chức tín dụng đã triển khai cho vay đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp với dư nợ đến nay là 24.302 tỷ đồng.
Dù đạt được những kết quả trên nhưng tín dụng đối với nhà ở xã hội còn thấp do nguồn cung nhà ở xã hội còn khan hiếm, do đó việc tiếp cận khách hàng, dự án nhà ở xã hội tốt, có hiệu quả còn khó khăn; Việc bố trí nguồn vốn ngân sách cho các chương trình nhà ở còn hạn chế, chưa kịp thời...
Trong thời gian tới, hưởng ứng chương trình xây dựng tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, NHNN chỉ đạo các TCTD: tích cực hưởng ứng, hỗ trợ thúc đẩy triển khai chương trình xây dựng tối thiểu t1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; ưu tiên hướng dòng vốn tín dụng và có các chính sách ưu đãi về nguồn vốn, lãi suất dành cho dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khả thi, có hiệu quả cao; tích cực triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đối với đối tượng chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận