Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước gỡ khó tín dụng bất động sản
Ngành ngân hàng cần tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản, người mua, giảm chi phí để hạ lãi vay.
Đây là nội dung được nêu tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1. Ngoài tín dụng cho bất động sản, lãnh đạo Chính phủ lưu ý dòng vốn của các nhà băng phải "chảy" vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng cũng phải giảm chi phí để ổn định lãi suất, giảm lãi suất cho vay.
Bất động sản là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp không ít khó khăn khi dòng vốn tín dụng bị siết lại, cung dư thừa so với nhu cầu và thị trường còn thiếu minh bạch... Những yếu tố này khiến giao dịch bất động sản giảm, nhiều dự án ngừng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn.
Thống kê mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, gần 40% doanh nghiệp địa ốc phá sản trong năm ngoái vì khó khăn dòng tiền, giá nguyên vật liệu leo thang.
Cuối năm ngoái, Chính phủ đã lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với sự tham gia của các bộ, ngành.
Tại nghị quyết phiên họp lần này, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, đề xuất các biện pháp và báo cáo Thủ tướng về hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường này trước ngày 15/2.
Cùng với bất động sản, Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm nay.
"Biện pháp xử lý phù hợp trên tinh thần 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ', bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư", nghị quyết phiên họp Chính phủ nêu.
Dự thảo sửa đổi Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra quốc tế cần trình Chính phủ trước ngày 10/2.
Tại dự thảo sửa đổi, nhiều giải pháp được đưa ra "cứu" thị trường trái phiếu. Với loạt giải pháp này, giới chuyên gia kỳ vọng doanh nghiệp có thêm thời gian và nhiều lựa chọn hơn để cân đối dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh toán cho trái chủ qua đó hạn chế khả năng vỡ nợ.
Loạt sai phạm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị cơ quan quản lý xử lý trong năm 2022 đã tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư, thị trường.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 11, lượng trái phiếu phát hành giảm hơn 32% so với cùng kỳ 2021, đạt 331.800 tỷ đồng. Lượng lớn trái phiếu cũng được doanh nghiệp mua lại trước hạn, tăng 14% so với năm ngoái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận