Thủ tướng: Cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long phải thẳng, ngắn và tránh khu dân cư
Dự kiến, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 13,8 tỷ USD, tăng khoảng 5 tỷ USD so với thời kỳ trước.
Ngày 21/6, Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, diễn ra tại Cần Thơ, đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Đồng bằng sông Cửu Long đã được ưu tiên
Hội nghị đã được nghe các tham luận cũng như các ý kiến đóng góp của đại biểu cho sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho rằng hội nghị lần này để tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng nhấn mạnh về tầm quan trọng cũng như những tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; và cho biết đến nay, quá trình đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được quan tâm hơn.
Tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước đầu tư qua địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tăng; giai đoạn 2016-2020 đạt gần 200.000 tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD) chiếm khoảng 16% tổng đầu tư ngân sách nhà nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các Bộ, ngành và địa phương hỗ trợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long là trên 318.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 13,8 tỷ USD); tăng khoảng 5 tỷ USD so với thời kỳ trước, tập trung vào hạ tầng chiến lược.
Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, tiềm năng thì lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; phần đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế.
Trong đó, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu và yếu. Trước hết, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển tải của cải vật chất được sản xuất tại vùng ra cả nước và thế giới.
Vùng này thiếu cảng biển nước sâu để kết nối với quốc tế; thiếu các trung tâm tiếp vận và kho vận của vùng; giao thông đường thủy nội địa chưa được phát huy; hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Hạ tầng về y tế, giáo dục còn chưa đồng đều, yếu kém ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Những vấn đề cần chú ý khi xây dựng cao tốc
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.
Đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt, mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt, mới có nhà đầu tư tốt.
Thủ tướng chỉ đạo về phát triển hạ tầng, trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistics, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, theo tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đổ đất". Cao tốc không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, không tác động lớn tới đời sống người dân và tạo ra không gian phát triển mới.
Các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Bên cạnh đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Các địa phương cần tập trung nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số (PAPI, PAR Index, PCI, DTI…). Tăng cường thu hút các dự án đầu tư từ trong và ngoài nước, tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của vùng.
Thủ tướng tin tưởng rằng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá... |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận