Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nói về kịch bản 3 bước phục hồi kinh tế sau dịch
Trạng thái tương lai trong kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng là khi COVID-19 đã yên ổn trên thế giới, tạo ra những cơ hội mà Đông Nam Á và Việt Nam là nơi được các tập đoàn kinh tế lớn cân nhắc chọn làm điểm đến.
Trao đổi với phóng viên báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 5/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang chủ trì cùng các bộ ngành xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ KH&ĐT cũng đã chủ động, phối hợp cùng với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những định hướng, giải pháp.
Cụ thể, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị 3 bước đối với điều hành nền kinh tế.
Đối với các mảng thị trường, trước tiên phục hồi trong nước trước; còn đối với thị trường nước ngoài thì hiện nay, mặc dù COVID-19 ở nước ta có khả năng kết thúc sớm nhưng các nước trên thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó nền kinh tế nước ta chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế.
Bộ KH&ĐT xây dựng trạng thái bình thường mới, nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn tồn tại xung quanh nước ta. Chính vì vậy mỗi chính sách đề ra cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu là phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó là các giải pháp phòng chống ở trong nước, các quy định về giãn cách, cách ly cũng ảnh hưởng đến một số ngành, lĩnh vực mà có hoạt động tụ tập đông người hay phải tiếp xúc gần.
Tuy nhiên, ông Phương cũng lưu ý các ngành dịch vụ, du lịch…, nếu không có khách thì dẫu mở lại cũng chưa hoạt động được ngay, kéo theo đó là một số ngành khác như vận tải, lưu trú, ăn uống,… phụ thuộc hoàn toàn vào khách.
Trạng thái tương lai trong kịch bản mà Bộ KH&ĐT xây dựng là khi COVID-19 đã yên ổn trên thế giới.
“Đối với thế giới hiện nay thì nền kinh tế nào kết thúc dịch sớm nhất sẽ thành công. Do vậy trong định hướng xây dựng kịch bàn này, Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, đòi hỏi sự thay đổi ở cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này”, ông Phương phân tích.
Thứ trưởng Phương nhận định, trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng dành thời gian nói về dự thảo nghị quyết một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19.
Đây là nghị quyết tiếp nối Nghị quyết 42 trong tháng 3. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực an sinh và có một số giải pháp tiếp nối Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các chính sách tiền tệ, tài khóa và một số chính sách hỗ trợ khác.
“Đối với các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như hoạt động SXKD của doanh nghiệp thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn”, ông Phương lý giải.
Các giải pháp này rộng hơn, tiếp nối những giải pháp trước đây đã ban hành và mở rộng hơn quy mô, đối tượng, phạm vi. “Trong nghị quyết này có nội dung rất quan trọng liên quan đến đầu tư công. Đó là giải pháp làm sao thúc đẩy, giải ngân nhanh số lượng lớn vốn đầu tư công năm 2020”, ông nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, đây là những giải pháp mạnh tiếp theo các giải pháp của Chỉ thị 14 và Nghị quyết 42. “Các chính sách của hai văn bản này đã tạo ra số tiền rất lớn, bao gồm tiền mang tính chất chính sách về tài khóa, tiền tệ và có cả giá trị tiền của ngân sách nhà nước hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua các chính sách an sinh xã hội”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận