Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Chưa bao giờ các dự báo về kinh tế khó như bây giờ, có quá nhiều yếu tố tác động
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, chưa bao giờ các dự báo về kinh tế lại khó như bây giờ, có quá nhiều yếu tố tác động, nhất là các yếu tố liên quan đến dịch COVID-19. Hiện nay, tình hình biến đổi liên tục, công tác dự báo rất khó.
Ngày 3/8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương đã trả lời báo chí về việc, Bộ KH&ĐT đánh giá bước đầu thế nào về tác động của làn sóng thứ hai dịch COVID-19 đến nền kinh tế năm nay và triển vọng phục hồi như thế nào?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, chưa bao giờ các dự báo về kinh tế lại khó như bây giờ, có quá nhiều yếu tố tác động, nhất là các yếu tố liên quan đến dịch COVID-19. Hiện nay, tình hình biến đổi liên tục, công tác dự báo rất khó. Thực tế hiện nay, kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế, các giả định đều khác nhau.
Về bùng phát đợt COVID-19 này, Bộ KH&ĐT đã có cảnh báo, nếu chúng ta bị làn sóng COVID-19 thứ 2 thì tác động của nó đến nền kinh tế rất ghê gớm.
"Đợt dịch đầu năm chúng ta phải giãn cách xã hội toàn quốc hơn 20 ngày, tác động rất nhiều đến sản xuất kinh doanh. Kết quả tăng trưởng của quý II rất thấp, cho thấy tác động rất ghê gớm. Đợt bùng phát này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, quyết tâm dùng mọi hình thức dập dịch bằng được, thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Theo ông, về sơ bộ đánh giá tác động, có thể thấy ngay tác động tức thì của đợt COVID-19 này là ngành du lịch và ngành vận tải hành khách bị tác động đầu tiên. Không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương, các hãng lữ hành, vận chuyển hàng không đều bị huỷ chuyến đi, huỷ hợp đồng du lịch.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định, mặc dù tăng trưởng của ngành du lịch trong tháng 7 vừa qua đã có mức tăng tưởng bứt phá so với tháng 6 nhưng mới chỉ 1 tháng đã có tác động lớn.
Thông tin thêm tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, ngay sau khi dịch bùng phát, Bộ KH&ĐT đã có chỉ đạo các đơn vị trong Bộ khẩn trương tổ chức nghiên cứu, thu thập số liệu đưa ra các dự báo cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong tháng 8 cùng với các bộ, ngành khác xây dựng các kịch bản chi tiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và Chính phủ.
Đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết về tình hình, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, các thành viên Chính phủ nhận định, ở trong nước, do tác động của dịch COVID-19 trở lại từ cuối tháng 7, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao; giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là giải ngân vốn ODA rất thấp.
Sản xuất kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực rất khó khăn; khu vực dịch vụ chịu tác động rất lớn, nhất là hàng không, du lịch; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và số lao động mất việc làm tăng...
Trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, tiếp tục lây lan với tốc độ cao. Kinh tế và thương mại toàn cầu thời gian tới được dự báo không mấy khả quan, rơi vào suy thoái.
Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải hết sức tỉnh táo; phân tích tình hình để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Chính phủ xác định đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng. Kiên định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng chống dịch và hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra; đồng thời, phải tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, môi trường, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ lưu ý, tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, nhưng đồng thời tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát; không được có bất cứ hạn chế nào; không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ", xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm.
Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu không để đứt gãy nền kinh tế xã hội, cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội. Tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế.
Các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Phải nỗ lực phấn đấu thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang, coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận