Thứ trưởng Bộ Công Thương: 'Nếu bỏ quỹ bình ổn thì giá xăng sẽ tăng sốc'
Liên quan đến quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia kinh tế trước đó đã đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng quỹ BOG để xăng dầu được hoạt động theo cơ chế thị trường.
Theo đó, nhiều người kỳ vọng việc bỏ quỹ BOG sẽ giúp nâng cao tính minh bạch công khai trong điều hành giá, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Tại dự thảo Luật Giá sửa đổi đang lấy ý kiến mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng, dầu và điều tiết theo giá thị trường. Sau khi bỏ quỹ BOG, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước kiểm tra yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng hóa tồn kho, kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định...
Trả lời báo chí trước đó về đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần phải tính toán, nếu bỏ quỹ này thì phải có biện pháp khác thay thế.
"Tôi đã nhiều lần muốn bỏ quỹ này nhưng vấn đề nếu bỏ thì giá xăng sẽ tăng sốc. Quan trọng là đưa ra chính sách phải đảm bảo tính khả thi và tác động thực sự đến người dân, doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô", ông Hải nói.
Trước đó, từ 15h ngày 12/12, giá xăng E5 RON92 giảm 1.330 đồng/lít, bán ra ở mức 20.340 đồng/lít; giá xăng RON95 giảm 1.500 đồng/lít, bán ra ở mức 21.200 đồng/lít.
Cụ thể, sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 có giá bán không cao hơn 20.346 (giảm 1.333 đồng/lít so với giá hiện hành); Xăng RON95-III: không cao hơn 21.200 đồng/lít (giảm 1.504 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu diesel 0.05S có giá bán không cao hơn 21.670 đồng/lít (giảm 1.543 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 21.901 đồng/lít (giảm 1.661 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S có giá bán không cao hơn 13.016 đồng/kg (giảm 937 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công thương – Tài chính cũng thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít, dầu diesel ở mức 800 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít, dầu mazut ở mức 500 đồng/kg. Đồng thời, liên Bộ Công thương – Tài chính cũng thực hiện không chi Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng dầu.
Liên Bộ Công thương – Tài chính cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 01/12/2022 - 12/12/2022) chịu tác động của các yếu tố như: lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng gia tăng, nhu cầu nhiên liệu suy yếu trong bối cảnh Mỹ có khả năng tăng lãi suất; việc áp giá trần đối với dầu của Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12; việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19… Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận