Thu thuế trong kinh tế số: Nên bắt đầu từ những đối tượng "khổng lồ"?
Về cách thu, có ý kiến cho rằng, "nên đi từ đối tượng lớn đến đối tượng nhỏ, ban đầu là những nhà cung cấp dịch vụ khổng lồ trên mạng"...
"Cơ quan thuế nên xem người nộp thuế là khách hàng của mình, để khách hàng đem tiền đóng góp vào ngân sách, thay vì như hiện nay, doanh nghiệp tìm cách trốn tránh việc nộp thuế…", đại diện một doanh nghiệp đang kinh doanh trên Amazon đề xuất.
Đây là ý kiến được lãnh đạo Công ty Fado đưa ra tại Hội thảo Quản lý thuế trong nền kinh tế số do Tổng cục Thuế vừa tổ chức.
Khó thu thuế từ giao dịch thương mại điện tử
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube…
Cụ thể, các doanh nghiệp và cá nhân này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số doanh nghiệp có doanh thu hàng năm hàng trăm tỷ đồng, các cá nhân có phát sinh thu nhập hàng năm hàng chục tỷ đồng và các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
"Tuy nhiên chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế, số còn lại là các nhà thầu nước ngoài, cá nhân có phát sinh thu nhập nhưng vẫn chưa kê khai nộp thuế…", đại diện Tổng cục Thuế nhận định.
Từ đó, những khó khăn đã đặt cơ quan quản lý trước nhiều thách thức và việc tìm ra cơ chế quản lý để vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử vừa không làm xói mòn, thất thu thuế là vấn đề không dễ để dung hòa.
Ông Lưu Đức Huy- Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết để khắc phục những khó khăn trong quản lý thuế với kinh doanh thương mại điện tử, về chính sách, ngành Thuế đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của các Luật thuế (như Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế xuất nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành) để đảm bảo bao quát được hết các đối tượng và các hình thức kinh doanh thương mại điện tử phát sinh tại Việt Nam.
Trong khi đó, về giải pháp về quản lý thuế, một trong những nội dung quan trọng tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội Khóa XIV xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) là việc bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Cùng với đó, bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động thương mại điện tử thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Là chuyên gia cao cấp về thuế của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Jonathan Leigh Pemberton cho rằng, kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và ngày càng phát triển so với kinh doanh truyền thống.
Do vậy trong hệ thống thuế chính sách cần đảm bảo tính công bằng và trung lập, không bóp nghẹt sự phát triển của thương mại điện tử và không tạo ra sự bất lợi đối với doanh nghiệp truyền thống.
"Về cơ bản cơ chế ở đây là đơn giản hoá việc kê khai và nộp thuế, tất cả đều thực hiện trực tuyến, đây là mô hình được triển khai ở nhiều nước và là thông lệ được coi là tốt nhất trên thế giới. Dường như đây cũng là định hướng mà Việt Nam đang hướng đến.
Nội dung chính là tạo ra nền tảng hay cổng thông tin trực tuyến để giúp nền tảng kỹ thuật số, doanh nghiệp, các nhà cung ứng nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký, kê khai và nộp thuế", ông Jonathan Leigh Pemberton nói.
Nên xem người nộp thuế là khách hàng
Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng nhà nước) cho rằng, quản lý thuế đối với kinh tế số và thương mại điện tử trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ sang kinh tế số và các "người khổng lồ" Internet bùng nổ là một thách thức với Việt Nam.
Góp ý tại Hội thảo, ông Dũng cho rằng cơ quan thuế nên nghiên cứu thông lệ quốc tế về cơ chế quản lý thuế đối với kinh tế số của một số quốc gia để vận dụng phù hợp cho Việt Nam.
"Về lâu dài, nên cân nhắc ban hành sắc thuế mới để điều chỉnh các hoạt động của nền kinh tế số. Đồng thời, Tổng cục thuế nên xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất qua thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, như của ngành ngân hàng, thuế, viễn thông… để cập nhật kịp thời từ khâu kê khai, nộp thuế", ông Dũng nói.
Bà Nguyễn Vân Chi, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội lại cho rằng, do đây là chính sách mới nên không thể đảm bảo tất cả các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài mà có phát sinh thu nhập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ thực thi đầy đủ.
Tuy nhiên, nên đi từ đối tượng lớn đến đối tượng nhỏ, ban đầu là những nhà cung cấp dịch vụ khổng lồ trên mạng.
Theo bà Chi, cơ quan thuế cần phải hoàn thiện từ khía cạnh quản lý, đảm bảo thu được thuế công bằng. Làm sao có quy định rõ ràng rành mạch để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuận lợi nhất.
Bên cạnh đó cách thu cũng cần được hoàn thiện, bổ sung thêm quy định cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng sẽ thực hiện nghĩa vụ đăng kí kê khai tại nước ngoài và Việt Nam. "Bất cứ cá nhân nào có phát sinh thu nhập tại Việt Nam thì đều phải có cách để quản lý và thu", bà nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đạt, Giám đốc Công ty Fado (kinh doanh trên Amazon) đề nghị, cơ quan Thuế phải làm thế nào để các doanh nghiệp có thể thuận lợi trong việc tuân thủ các chính sách vì nếu chính sách tốt mà việc tuân thủ khó khăn thì sẽ trở thành rào cản cho nền kinh tế số.
"Cơ quan thuế nên xem người nộp thuế là khách hàng của mình, để khách hàng đem tiền đóng góp vào ngân sách, thay vì như hiện nay, doanh nghiệp tìm cách trốn tránh việc nộp thuế.
Bởi chi phí tuân thủ cao và không biết làm cách nào để đóng thuế thì sẽ phát sinh kinh tế ngầm. Khi đó, không những thất thu thuế mà quan trọng là chúng ta không thống kê được giao dịch nên chính sách đưa ra không chính xác", ông Đạt nói.
Giải pháp được ông Đạt đề xuất với cơ quan thuế là thành lập trung tâm dữ liệu hoạt động thương mại qua biên giới.
Theo đó, tất cả các sàn giao dịch đều phải điều chuyển thanh toán qua trung tâm dữ liệu quốc gia. Khi đó cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng đều có thể truy cập và sử dụng dữ liệu quả trung tâm quốc gia này để kiểm tra thông tin phục vụ cho công tác quản lý của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận