menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nhật Anh

Thu thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng: Góc nhìn của người trong cuộc

Sau khi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) có văn bản số 1606/TCT-DNL liên quan đến chính sách thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các Tổ chức tín dụng đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. 

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Thoibaonganhang.vn lược trích một số kiến của các chuyên gia tại tọa đàm "Thuế giá trị gia tăng với hoạt động thư tín dụng" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp tổ chức ngày 11/5.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Hồi tố, truy thu thuế GTGT gây khó cho ngân hàng và doanh nghiệp

Thư tín dụng (L/C) là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành, bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong L/C được thực hiện đúng và đầy đủ. Việc này vẫn được thực hiện trong rất nhiều năm.

Tuy nhiên, đến ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế có văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục thuế địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT. Theo đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các tổ chức tín dụng và chính doanh nghiệp. Điều khiến các ngân hàng lo lắng nhất hiện nay là khả năng bị hồi tố. Hiện các cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ L/C phát sinh từ ngày 1/1/2011. Các ngân hàng thương mại cũng băn khoăn do bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, nên việc hồi tố, truy thu thuế GTGT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với các tổ chức tín dụng và khách hàng doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là nghiệp vụ ngân hàng nhưng vì thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu vì vậy sẽ khiến doanh nghiệp nộp nhiều loại phí trong khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng đã nộp thuế, phí.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng (VNBA):

Quy định chưa phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật chuyên ngành ngân hàng

Quy định thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng chưa phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật chuyên ngành ngân hàng, ảnh hưởng đến cả ngân hàng và doanh nghiệp, vì thuế GTGT là thuế gián thu (thu từ khách hàng), do vậy, từ nay, khi các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành L/C, các ngân hàng sẽ thu thuế GTGT của doanh nghiệp, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể bị truy thu nộp bổ sung tiền thuế GTGT đã phát sinh từ năm 2011 đến nay cho ngân hàng để nộp ngân sách. Điều này, tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp đều đang hết sức khó khăn, Chính phủ và ngành ngân hàng đang có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo thông lệ quốc tế (UCP 600), nghiệp vụ thư tín dụng (L/C) là cam kết thanh toán/bảo lãnh của ngân hàng, nếu người mua không thanh toán đúng hạn thì ngân hàng phải cho vay bắt buộc. Vì vậy, về bản chất, L/C là hoạt động bảo lãnh ngân hàng và được coi là hình thức cấp tín dụng. Khi các ngân hàng phát hành L/C đều phải thẩm định hồ sơ của khách hàng theo đúng quy trình, bảo lãnh, cho vay,...

Do đó, phần lớn các nước trong khu vực và trên thế giới không áp dụng thu thuế GTGT của khách hàng đối với nghiệp vụ L/C như Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Australia, UK, EU. Ngoài ra có một số nước áp thuế trực tiếp (thuế thu nhập doanh nghiệp) đối với nghiệp vụ L/C (không phải là thuế gián thu như VAT) như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan. Thuế này được tính vào chi phí.

Bên cạnh đó, theo pháp luật chuyên ngành ngân hàng từ năm 2011 đến nay đều quy định L/C là nghiệp vụ lưỡng tính, vừa là hình thức cấp tín dụng (trường hợp ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận thư tín dụng...), vừa là hoạt động thanh toán (khi ngân hàng chỉ đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán như thông báo L/C, chuyển nhượng L/C và một số hoạt động dịch vụ khác (không cam kết thanh toán).

Luật thuế GTGT và Công văn hướng dẫn về thuế GTGT trước đây đều không đề cập đến việc thu thuế GTGT cho nghiệp vụ L/C. Đến năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 hướng dẫn cụ thể: các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Ngoài ra, Luật thuế GTGT và Công văn hướng dẫn về thuế GTGT trước đây đều không đề cập đến việc thu thuế GTGT cho nghiệp vụ L/C. Đồng thời làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc mở rộng phương thức thanh toán tín dụng chứng từ L/C qua ngân hàng và việc cung ứng vốn tín dụng, có nguy cơ tăng rủi ro cho doanh nghiệp khi áp dụng các phương thức thanh toán khác.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước:
Áp dụng quy định sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của quốc gia

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), L/C là hoạt động lưỡng tính, vừa mang tính chất tín dụng và thanh toán. Ngay cả quốc tế khi giới thiệu sản phẩm này ra trên thị trường thanh toán quốc tế đều dùng từ "credit" - không phải "payment".

Đây là thư tín dụng, không phải thư thanh toán. Bản chất tín dụng không thể phủ nhận. Như nhiều chuyên gia đã phân tích, hoạt động thư tín dụng mang tính chất bảo lãnh, trung gian giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu.

Về mặt cơ sở pháp lý, có thể nói Luật các TCTD 2010 không hề phủ nhận bản chất lưỡng tính của L/C và bản chất này không thay đổi. Và pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn tiếp tục cho rằng L/C có hai bản chất vừa là cấp tín dụng vừa là thanh toán. Các văn bản dưới luật cũng đi theo mạch đó.

NHNN đề nghị không truy thu thuế từ 2010 vì nhiều lý do. Nếu thực hiện theo Văn bản 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế sẽ có một số tác động, bất cập. Thứ nhất là thuế GTGT là thuế gián thu, nếu nộp bổ sung các tổ chức phải liên hệ lại với khách hàng, điều này rất không khả thi do nhiều doanh nghiệp không giao dịch hoặc phá sản.

Một điểm nữa là việc truy thu tạo áp lực và gánh nặng cho ngân hàng trong việc kê khai điều chỉnh thuế. Truy thu thuế, tiền phạt cũng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và ngân hàng trong bối cảnh dịch COVID-19. Các tổ chức tín dụng nếu không thu được của doanh nghiệp phải tự bỏ tiền để thanh toán hoàn thuế... cũng ảnh hưởng đến doanh thu.

Ngay khi nhận được phản ánh của Hiệp hội ngân hàng, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các vụ, cục liên quan tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế. Trong thời gian đó, các ngân hàng nước ngoài cũng phản ánh với NHNN về việc nếu thực hiện sắc thuế này sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định chính sách.

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nên nếu áp dụng thu thuế GTGT với nghiệp vụ L/C thì ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của quốc gia.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Khách hàng khó giao dịch, ngân hàng khó kê khai

Từ thực tiễn có thể thấy hoạt động của ngân hàng chủ yếu ở 3 hoạt động: Tiền gửi, cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán. Trong 3 hoạt động trên thì chỉ có cung ứng dịch vụ thanh toán là phải nộp thuế.

Dịch vụ thanh toán cũng chia ra là thanh toán trong nước và thanh toán quốc tế và chỉ khác nhau ở việc nói rõ các hình thức cụ thể. Nếu mà nói như trên thì không thể quy ngay thư tín dụng là hình thức dịch vụ thanh toán mà chỉ là một phương thức công cụ trong đó.

Công văn số 1606/TCT-DNL đã tác động tới khách hàng. Ngân hàng đã có khảo sát thì thấy rằng, hiện tại khách hàng giao dịch với ngân hàng qua các biểu phí và như thế việc giao dịch với khách hàng sẽ khó hơn, việc giải thích bổ sung thuế GTGT cho khách hàng là không khả thi.

Bên cạnh đó, thời gian phát sinh nghĩa vụ thuế kéo dài nhiều năm, nhiều khách hàng đã thay đổi. Các khoản thu liên quan đến thư tín dụng các TCTD đã thu của khách hàng trong giai đoạn trước đây theo biểu phí công bố tại từng thời điểm thu phí, khả năng để được các khách hàng nộp bổ sung thuế GTGT do quy định lại thuế suất là rất khó.

Đối với các TCTD, nộp bổ sung thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT với số tiền rất lớn. Lo ngại nữa là việc bị phạt kê khai sai và tiền chậm nộp các TCTD không có nguồn phù hợp để thực hiện…

Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất bảo lãnh thanh toán của TCTD trong phương thức L/C mà TCTD đóng vai trò ngân hàng phát hành thư tín dụng thuộc hoạt động cấp tín dụng (không phân biệt trường hợp khách hàng không ký quỹ/có ký quỹ đủ hoặc không đủ 100% giá trị L/C). Các khoản phí L/C liên quan đến cam kết bảo lãnh thanh toán là đối tượng không chịu thuế GTGT.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả