24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đinh Trọng Thịnh Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thu thuế Coca-Cola, Heineken: Cần phải truy xuất từng hóa đơn

Đề cập đến vụ việc truy thu thuế của Coca-Cola và Heineken, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng cơ chế kiểm tra, kiểm soát của Việt Nam còn quá lỏng lẻo. Lẽ ra điều này phải làm hằng năm và truy soát đến từng hóa đơn.

Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này vừa thu được hơn 917 tỉ đồng tiền thuế từ Heineken Việt Nam trong thương vụ chuyển vốn nhà máy Heineken Hà Nội.

Đây là giao dịch đã diễn ra từ cuối năm 2018, khi Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) chuyển nhượng 100% vốn cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội. Đối tác nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Trong thương vụ này, giá trị giao dịch chuyển nhượng giữa hai bên là 4.800 tỉ đồng.

Sau thương vụ, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng là gần 823 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd sau đó đã có văn bản gửi Cục thuế TP Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa 2 Chính phủ Việt Nam - Singapore. Vì vậy, từ khi thương vụ chuyển nhượng hoàn tất đến thời điểm thanh tra, toàn bộ số tiền thuế nói trên chưa được Heineken Việt Nam nộp vào ngân sách.

Tuy đã thực hiện nộp đầy đủ khoản thuế nói trên, Heineken cho biết, doanh nghiệp này chưa đồng thuận với cơ sở đánh giá được đưa ra, do đó đã tiến hành các thủ tục pháp lý theo các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai Chính phủ Việt Nam - Singapore để làm rõ quyết định của Tổng cục Thuế.

Cũng trong tháng 12.2019, Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định phạt và truy thu hơn 821 tỉ đồng tiền thuế với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola. Đây là số tiền phạt và truy thu từ nhiều loại sắc thuế khác nhau sau đợt thanh tra kéo dài từ năm 2007 đến 2015 của cơ quan thuế.

Hiện tại, Coca-Cola Việt Nam đã nộp 471 tỉ đồng tiền thuế gốc trong số bị phạt và truy thu nói trên. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng bị truy thu là hơn 60 tỉ, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỉ, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài là gần 52 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng Heineken vi phạm tương đối rõ ràng, không còn gì phải bàn cãi.

Theo ông Thịnh, về mặt quy định, nếu giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50% thì nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng phải thực hiện kê khai và nộp ở nước sở tại. Do đó, dù Heineken vin vào Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần thì cũng không biện hộ được.

“Họ cố tình hiểu sai để mà tránh thuế phải nộp ở Việt Nam thôi. Còn nếu họ cảm thấy không đúng thì cứ kiện ra tòa thôi, không vấn đề gì, còn về nguyên tắc thì họ phải nộp ở Việt Nam”, ông Thịnh nói.

Cũng theo chuyên gia này, vấn đề với Coca-Cola cũng là chuyện rất “đau đầu” và không thể chấp nhận được. Việc Việt Nam bắt họ nộp hơn 821 tỉ, trong đó có cả tiền nợ, thuế, rồi phạt chậm nộp… cũng có mấy vấn đề.

Theo đó, việc đóng thuế là các doanh nghệp phải tự khai, tự tính và nộp cho Nhà nước. Nguyên tắc là anh phải khai đúng, tính đủ, chứ không thể gian lận được. Trong mức tiền yêu cầu Cocacola nộp chủ yếu là tiền chậm nộp, tính không đủ thôi chứ không phải tiền phạt. Ở nhiều nước, nếu kê khai không đúng thì mức phạt sẽ rất nặng, thậm chí lên tới 300%.

“Cơ chế kiểm tra, kiểm soát của Việt Nam còn quá lỏng lẻo. Ai đời đến năm 2015 mới tiến hành rà soát, truy vấn thuế từ 2008-2015, rất bất ổn. Lẽ ra điều này chúng ta phải làm hằng năm và truy soát đến từng hóa đơn, bởi từng thương vụ, từng hóa đơn họ đã tính giá không đúng rồi, thì làm gì còn lợi nhuận?

Nếu không làm hằng năm, thì số thuế trốn, tiền phạt… thu một lúc thì số tiền sẽ rất lớn. Còn nếu làm hàng năm thì số tiền đó sẽ rất nhỏ mà họ cũng không dám gian lận. Chúng ta cũng cần tính toán làm sao vừa thu được thuế, vừa răn họ không dám trốn thuế. Tài chính là phải tỉ mỉ, truy từng hóa đơn”, ông Thịnh nói.

Cũng theo chuyên gia này, vấn đề gian lận thuế, chuyển giá không riêng gì 2 doanh nghiệp này, mà diễn ra ở rất nhiều doanh nghiệp FDI và nhiều doanh nghiệp khác. Do đó, thời gian tới cần hoàn tiện thêm hành lang pháp lý và đội ngũ thực thi để tăng cường xử lý việc trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá của doanh nghiệp.

“Rõ ràng chúng ta ưu tiên, ưu đãi đủ thứ, quy mô họ lớn, doanh thu rất cao nhưng nộp thuế lại rất ít, như vậy là rất khó chấp nhận”, ông Thịnh nêu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả