Thu thuế bán hàng online: Tưởng không khó mà khó không tưởng!
Tháng trước, dư luận xôn xao vụ việc “nữ hoàng livestream” Vy Á “ngã ngựa” vì trốn thuế với số tiền lên đến hơn 643 triệu nhân dân tệ (2.300 tỷ đồng). Thực tế, trong giới kinh doanh online không hiếm người áp dụng mánh khóe để lách thuế. Đây là bài toán cân não mà đến nay các cơ quan chức năng vẫn đang tìm cách giải quyết triệt để.
Kinh doanh online trở nên phổ biến như hiện tại vì giúp cả người bán lẫn người mua có thể tiết kiệm được nhiều mặt cả về thời gian, không gian lẫn cách thức giao dịch.
Tuy nhiên, nhằm tối đa hóa lợi nhuận bán hàng trên mạng, nhiều dân buôn tìm cách lách luật, trốn thuế, tránh sự rà soát của các cơ quan chức năng. Vấn đề đáng báo động này do không ít người trong cuộc tiết lộ.
Các chiêu trò trốn thuế trong kinh doanh bán hàng online ngày càng tinh vi, vòng vèo, phức tạp hơn nhằm qua mặt cơ quan thuế. Chẳng hạn người bán chia nhiều tài khoản nhận tiền, đổi nội dung chuyển khoản mua hàng, không công khai tài khoản ngân hàng, lấy tiền mặt thay vì chuyển khoản…
Trong đó hình thức livestream bán hàng chiếm đa số. Bằng việc tạm ẩn, xóa livestream trực tiếp khỏi trang Facebook, người bán có thể che giấu thông tin đơn đặt hàng, doanh thu. Dù buổi livestream bán hàng cả chục ngàn lượt xem với rất nhiều đơn đặt hàng khủng. Ước tính doanh thu 1 lần lên sóng có thể lên đến hàng tỷ thậm chí hàng chục tỷ đồng nếu thu hút chục ngàn người xem. Thế nhưng ngay sau thời điểm livestream, người bán nhanh chóng xóa hoặc tạm ẩn phần livestream trực tiếp khỏi trang Facebook của mình, đồng thời đăng những nội dung không liên quan tới bán hàng.
Để nhận được tiền từ người mua, chủ tài khoản sẽ đưa ra 2 hình thức: Trả tiền mặt cho bên giao hàng hoặc chuyển khoản. Trường hợp chuyển khoản, họ dùng nhiều tài khoản cá nhân, khi chuyển khoản chỉ cần ghi nội dung tên tài khoản Facebook, và chụp màn hình đã chuyển khoản, tránh dồn chuyển khoản cả vào một tài khoản để tránh cơ quan thuế chú ý.
Không những thế lợi dụng quy định hiện hành, người được cho, tặng tiền không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, trừ những tài sản như chứng khoán hoặc vốn trong các tổ chức kinh tế, bất động sản. Những người kinh doanh online né thuế bằng cách thu tiền mặt, không ghi nội dung giao dịch hoặc ghi “cho, biếu, tặng…” thì ngành thuế khó kiểm tra, khó thu.
Gần đây, ngành thuế TPHCM liên tục “khui” ra và truy thu thuế một số cá nhân bán hàng qua mạng với số tiền “khủng”. Điển hình như vụ Chi cục Thuế quận 1 truy thu thuế một cá nhân kinh doanh trực tuyến với số tiền hơn nửa tỷ đồng; hay đặc biệt hơn là trường hợp một cá nhân ở quận Phú Nhuận (kinh doanh đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm) bị truy thu hơn 9 tỷ đồng tiền thuế. Việc này khiến nhiều người kinh doanh qua mạng chột dạ.
Khoảng tháng 7/2020, trường hợp một tổng kho bán hàng lậu qua livestream mạng xã hội bị cơ quan chức năng phát hiện, có doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/tháng, với hơn 30.000 đơn hàng bán ra mỗi tháng nhưng chưa hề đóng một đồng thuế nào. Hay như trường hợp một cá nhân ở Hà Nội thu hơn 40 tỷ đồng từ Google mới đây chỉ đến khi bị Tổng cục Thuế mời lên làm việc, người này mới đóng tiền truy thu và phạt tổng cộng hơn 4 tỷ đồng.
Hiện nay xuất hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa được đồng bộ, nhịp nhàng dẫn đến nguồn thông tin cho công tác quản lý thuế chưa đầy đủ, chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này.
Nhiều người bán hàng online có quy mô dù nhỏ lẻ nhưng số lượng lại vô cùng lớn. Cách làm của cơ quan thuế hiện nay đang làm đại trà, chính cách làm này khiến cơ quan thuế hao tốn chi phí rất lớn nhưng hiệu quả thu được rất thấp. Đưa ra nhiều biện pháp quản lý lớn quá, chưa kể phối hợp với các nước nhưng thương mại điện tử tại Việt Nam đại đa số còn nhỏ lẻ, vẫn cần rất nhiều lực để cải cách ngành thuế.
Trong đó, việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động TMĐT hay một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Chưa kể việc quản lý cá nhân kinh doanh trên trang mạng xã hội còn nhiều bất cập. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế.
Nhiều chủ tài khoản vẫn chưa được tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ nên... ngại gặp cơ quan thuế. Thu thuế kinh doanh qua mạng mà đánh đồng kinh doanh quy mô doanh nghiệp với kiểu cá nhân nhỏ lẻ thì không công bằng, gây bức xúc cho người dân. Cơ quan thuế cần tích cực tuyên truyền người kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram,... đến để được hướng dẫn đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, đăng ký thuế; kê khai các mặt hàng kinh doanh, doanh thu bán hàng, phương thức thanh toán… để họ yên tâm chứ không phải đến sẽ liền bị thu thuế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận