Thử thách lựa chọn cổ phiếu
Dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm nay sẽ ít hơn và hiệu suất sinh lời của nhiều cổ phiếu sẽ không còn nhiều như năm ngoái.
Trong những tuần giao dịch đầu xuân Nhâm Dần, TTCK Việt Nam đã tăng điểm khá tích cực khi vượt 1.500 điểm và không loại trừ khả năng VN-Index vượt đỉnh 1.520- 1.530 điểm trong giai đoạn tháng 3 tới.
Tâm lý thận trọng
Trong 8/10 năm gần đây nhất, TTCK đều có những giao dịch khởi sắc ngay sau tuần đầu tiên của Tết nguyên đán, chưa kể đến những thống kê hết sức thuyết phục trên các TTCK phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật là giai đoạn tháng 2 đến tháng 4 hàng năm cũng là thời điểm thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Đặc biệt, dòng tiền lớn đã tích cực tham gia vào TTCK Việt Nam, từ khoảng 5.000 tỷ đông/phiên trong tháng 4/2020 lên đến 25.000- 30.000 tỷ đồng/phiên vào đầu năm 2022. Có lẽ con số này có thể chưa ngừng gia tăng khi kênh đầu tư chứng khoán vẫn đang tỏ ra là kênh hấp dẫn của giới nhà đầu tư mới, đặc biệt là các nhà đầu tư gen Z.
Nếu mức tăng trưởng của TTCK năm ngoái hơn 35% thì năm nay VN-Index có thể sẽ chỉ tăng khoảng 12- 15% trong kịch bản lạc quan nếu VN-Index vượt qua mốc 1.600 điểm để tiến tới vùng 1.700- 1.750 điểm.
Việc TTCK giao dịch hứng khởi đầu năm đã thắp lên những kỳ vọng về triển vọng tăng điểm của TTCK thời gian tới, nhưng diễn biến tăng điểm và điều chỉnh ở vùng đỉnh cũ 1.520 điểm (+/- 10 điểm) là dễ xảy ra. Bởi vì, chỉ một số nhóm cổ phiếu tăng điểm, chứ chưa phải là toàn bộ thị trường chung. Ngoài ra, một số chỉ số chứng khoán thế giới đang điều chỉnh đi kèm số liệu kinh tế vĩ mô kém khả quan, lạm phát tăng cao trong vòng 4 thập kỷ, căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, cũng khiến tâm lý nhà đầu tư (NĐT) toàn cầu, NĐT Việt Nam thận trọng trong việc giải ngân đầu tư chứng khoán trong giai đoạn đầu năm.
Các cổ phiếu hút dòng tiền
Kinh nghiệm từ các chuyên gia quản lý quỹ đầu tư trên thế giới cho thấy, sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, lạm phát cao hay tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, thì nhóm ngành tài chính, năng lượng, xây dựng… được lưu ý hơn cả vì khả năng phục hồi kinh tế đi kèm với việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy hoạt động đầu tư công, nhu cầu năng lượng gia tăng, giúp các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực này có triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với các biến chủng mới có thể ảnh hưởng lớn đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam vẫn là nước thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư lớn quốc tế. Do đó, nhóm ngành BĐS khu công nghiệp, dầu khí, bán lẻ, cảng biển… hứa hẹn sẽ “ăn khách” trong nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên, không phải những nhóm ngành nghề nào được hưởng lợi thì tất cả các cổ phiếu thuộc các ngành đó đều tăng điểm tích cực. Do đó, các NĐT cần sàng lọc, đánh giá kỹ lưỡng từng cơ hội trước khi giải ngân.
Nếu mức tăng trưởng của TTCK năm ngoái hơn 35% thì năm nay VN-Index có thể sẽ chỉ tăng khoảng 12- 15% trong kịch bản lạc quan nếu VN-Index vượt qua mốc 1.600 điểm để tiến tới vùng 1.700- 1.750 điểm.
Căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, cũng khiến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, NĐT Việt Nam thận trọng trong việc giải ngân đầu tư chứng khoán trong giai đoạn đầu năm.
Sàng lọc cổ phiếu và quản trị rủi ro
Năm 2022, khả năng VN-Index tăng điểm từ vùng 1.500 điểm lên 1.600-1.700 điểm là không nhiều, chưa kể việc nhóm cổ phiếu lớn cũng sẽ phân hóa mạnh cũng khó có thể là lực kéo chỉ số khi mà hơn 1 năm bán ròng của khối ngoại tập trung ở nhóm cổ phiếu này. Nhóm cổ phiếu lớn cũng chỉ có thể được kỳ vọng vào nhóm ngân hàng, nhóm VN30 với sự quay trở lại giải ngân của các quỹ đầu tư chỉ số, các quỹ đầu tư hoán đổi danh mục…
Nhìn chung, cơ hội đầu tư năm nay cũng sẽ ít hơn và hiệu suất sinh lời của nhiều cổ phiếu có thể không nhiều như năm ngoái. Rủi ro có thể đến với những NĐT vẫn quá lạc quan và tiếp tục giải ngân dàn trải ở nhiều cổ phiếu dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao hoặc thậm chí thua lỗ. Do vậy, việc lựa chọn đúng cổ phiếu cũng là thử thách đối với mọi NĐT trong năm 2022, ngay cả khi thị trường vẫn đang trong giai đoạn tăng điểm. Lựa chọn kỹ cổ phiếu với chiến lược đầu tư linh hoạt sẽ mang lại hiệu quả hơn là bảo thủ nắm giữ lâu những cổ phiếu không triển vọng.
Cuối cùng, việc dùng đòn bẩy tài chính hay không, hoặc là sử dụng ở mức nào cũng có thể là điều mà các NĐT cũng cần đặc biệt lưu tâm. Rủi ro đôi khi không phải là việc lựa chọn cổ phiếu hay quản trị danh mục mà là việc sử dụng margin quá mức dẫn đến chiến lược giao dịch cổ phiếu ngắn hạn sai nhịp, gây thua lỗ lớn cho các NĐT.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận