Thu phí vỉa hè: Mặc nhiên công nhận quyền sử dụng cho cá nhân?
“Một khi đã thu phí thì gần như là chúng ta mặc nhiên công nhận quyền sử dụng vỉa hè đó đối với các cá nhân. Và như thế thì làm sao có thể lặp lại trật tự được” - chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình.
Tại thời điểm này, chính quyền thành phố Hà Nội thêm một lần nữa quyết liệt ra quân “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên sau nhiều lần triển khai theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “bắt cóc bỏ đĩa” và nhận kết quả thất bại, các chuyên gia cho rằng, giải pháp ra quân, xử lý chỉ là "cắt ngọn".
Trong bối cảnh, tình trạng vỉa hè thành nơi mưu sinh của rất nhiều người dân đô thị như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ đã đến lúc cần tính đến bài toán thu phí vỉa hè, lòng đường để vừa tạo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hạn chế tiêu cực vừa giúp lấy lại sự thông thoáng, ngăn nắp cho vỉa hè. Liệu cách làm này có giải quyết được tận gốc tình trạng lấn chiếm vỉa hè?
Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình cho rằng, đây là câu chuyện của xã hội nên sẽ còn tranh luận rất nhiều. Tuy nhiên sẽ khó nhìn thấy hiệu quả giữa việc thu phí và giải quyết tận gốc tình trạng lấn chiếm vỉa hè.
“Một khi đã thu phí thì gần như là chúng ta mặc nhiên công nhận quyền sử dụng vỉa hè đó đối với các cá nhân. Và như thế thì làm sao lặp lại trật tự được”. Song ở một góc độ nào đó, việc sử dụng vỉa hè có trả tiền phí có thể linh động được trong trường hợp đặc biệt ở các khu vực gần trường học, bệnh viện mà thực sự thiếu diện tích trông giữ xe thì tận dụng để đáp ứng nhu cầu. Trong trường hợp này, theo TS Bình vẫn phải đặt yêu cầu trên hết là dành một phần diện tích nhất định đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Nhưng đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế đối với những trường hợp thực sự đặc biệt, còn về cơ bản vỉa hè phải đảm bảo được chức năng của nó là đảm bảo an toàn cho người đi bộ và tạo mỹ quan đô thị cho thành phố lớn.
“Nhiều tuyến phố có những đoạn vỉa hè rất rộng, nhưng vỉa hè đó làm ra không phải là để phục vụ cho việc buôn bán mà là tạo mỹ quan đô thị. Vì vậy không thể cắt một phần vỉa hè đó để mà cho thuê lấy phí được”, TS Phan Lê Bình nêu quan điểm.
Trước những vấn đề đặt ra hiện nay, TS Phan Lê Bình cho rằng, giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè là một bài toán không hề đơn giản nhưng không phải không làm được. Để dẹp được “nạn” lấn chiến vỉa hè một cách triệt để thì các cơ quan chức năng cần tổ chức, xây dựng nên những cơ chế và thực hiện thật có trách nhiệm, cương quyết, xử phạt với chế tài nghiêm minh.
“Cần tận dụng con mắt quan sát của người dân để làm chứng cứ xử phạt chứ không phải là lực lượng chức năng phải trực 24/24 được”. Ông Bình đề xuất nên lập một kênh thông tin chẳng hạn như Facebook hoặc Website gì đó mà người dân bất cứ khi nào phát hiện thấy có tình trạng lấn chiếm vỉa hè thì có thể chụp ảnh, ghi rõ ngày giờ địa điểm gửi lên đó để cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt. Trong trường hợp xử phạt thành công thì người đăng tin được phép hưởng 10 đến 30% số tiền phạt. “Nếu làm được như vậy thì sẽ khuyến khích được trách nhiệm giám sát của mỗi người dân”, TS Bình nói.
Ngoài ra theo TS Bình tất cả các biện pháp, xử phạt cần được triển khai đồng bộ, nghiêm túc và nên thực hiện từng tuyến phố hơn là làm đồng loạt cùng một lúc.
Bởi thực tế nhiều năm nay, chính quyền các đô thị lớn đã hàng chục lần ra quân, tổ chức chiến dịch vô cùng hoành tráng nhưng cũng chỉ tạo được hiệu quả tại thời điểm đó, về sau đâu lại vào đây.
“Làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi, bắt cóc bỏ đĩa, hoặc làm cho có phong trào như đã từng làm chắc chắn sẽ không thể thay đổi được ý thức của người dân và tình trạng lấn chiếm vỉa hè sẽ ngày càng lan rộng, phức tạp hơn”, ông Bình khẳng định.
Mới đây, trong Dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, nơi trung chuyển vật liệu, phế thải... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ.
Theo chuyên gia quy hoạch đô thị, kiến trúc sư Ngô Viết Sơn Nam, trước khi bàn đến việc thu phí lãnh đạo địa phương cần phải chấn chỉnh lại tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, sắp xếp vỉa hè trật tự, nề nếp. Theo ông Sơn, hiện tại hầu hết những tuyến đường nội thành của Thành phố Hồ Chí Minh đều bị lấn chiếm và người đi bộ hầu như không sử dụng được.
“Trước khi nói chuyện thu phí thì phải làm rõ việc chấn chỉnh lại vấn đề này như thế nào để trả lại lề đường cho người đi bộ. Nếu không làm được chuyện đó thì việc thu phí là đang hợp thức hóa chuyện lấn chiếm lòng lề đường”, KTS Ngô Viết Sơn Nam nêu quan điểm. Ông cũng đề xuất, thành phố cần rà soát lại toàn bộ các tuyến đường, đặc biệt là trong nội thành. Trên cơ sở đó mới phân loại tuyến đường nào có thể thu phí để hài hòa giữa lợi ích và cảnh quan đô thị, tuyến đường nào dứt khoát không thu phí, không được lấn chiếm để đảm bảo an toàn cho người đi bộ và giữ gìn bộ mặt văn minh, văn hóa của thành phố
Việc vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng trái phép làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện đang trở thành vấn đề “nóng” tại nhiều nơi ở đô thị Hà Nội. trong đó có điểm nóng tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân.
Ngoài ra, KTS Ngô Viết Sơn Nam cũng chỉ rõ, trước khi thực hiện thu phí phải xây dựng một nền tảng pháp lý rõ ràng, cụ thể, minh bạch, cho cả người bán buôn bán và cả phía người đi bộ. Đặc biệt, với những người buôn bán trên lề đường thì trách nhiệm họ như thế nào? Được sử dụng trong khung giờ nào? Phạm vi sử dụng đến đâu? Giữ vệ sinh trong khu vực đó ra sao?
“Nên có một kế hoạch bài bản, có nền tảng pháp lý để tiến hành thí điểm cho một số khu vực trước. Ví dụ như khu vực quận 1 có thể áp dụng trước rồi dần dần mới mở rộng ra ở các tuyến phố khác và sau đó mới nhân rộng ra cả nước”, KTS Ngô Viết Sơn Nam nhấn mạnh./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận