Thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội: Người dân sẽ đi xe máy để "né" phí?
Đề án "thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội" sẽ bị thu phí ít nhất 50.000 - 100.000 đồng, được Sở GTVT Hà Nội công bố với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Đề án thu phí ô tô vào nội đô: Nhiều doanh nghiệp rút khỏi Hà Nội?
Đề án thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội được công bố, đã có hàng loạt vấn đề đã được đặt ra: Tác động trực tiếp tới sinh kế của người dân? Nhiều doanh nghiệp có rút khỏi Hà Nội vì lưu thông khó khăn, vậy tiền trả phí phương tiện người lao động hay doanh nghiệp chịu?
Đấy là còn chưa kể tới việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội sẽ tác động thế nào tới giá vé xe khách và liệu giải pháp này có thực sự làm giảm ùn tắc giao thông?
Cần khẳng định, việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội ảnh hưởng rất lớn tới những người lao động có nhà ở ngoại thành, hàng ngày đi ô tô vào nội đô để làm việc. Vì đặc thù của công việc, mỗi ngày người lao động phải đi lại nhiều lượt, sẽ phải bỏ ra số tiền cả trăm ngàn đồng cho mỗi ngày đi làm và về nhà?
Liệu rằng, Hà Nội có xảy ra một cuộc di dân vào nội đô để đỡ tốn chi phí, giá nhà, bất động sản nội đô có "sốt nóng" hay không?. Trong khi đó, Hà Nội đang xây dựng chủ trương, phương án giãn dân, điều này sẽ "phá nát" mục tiêu giãn dân của TP.Hà Nội.
Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu thu phí ô tô vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông, người dân sẽ chuyển sang đi phương tiện công cộng. Vậy, số tiền hơn 2.500 tỷ đầu tư hệ thống thu phí thông minh, nhưng đường vẫn tắc thì ai chịu trách nhiệm?
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông Hà Nội còn yếu kém, phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Sở GTVT Hà Nội đặt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, nhưng trái ngược, Sở GTVT lại đang lấy lòng đường của nhiều tuyến phố để cấp phép cho hàng loạt các doanh nghiệp làm điểm trông giữ xe.
Ngược dòng thời gian, người dân có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt ý tưởng phát triển giao thông của Hà Nội đến nay vẫn chữa được đáp ứng như kỳ vọng. Thậm chí, nếu không nói quá thì đó là "thất bại", như dự án buýt nhanh BRT, đường sắt Cát Linh – Hà Đông, lấy lòng đường làm điểm trông giữ xe cũng là nguyên nhân gây ùn tắc.
Thu phí ô tô, người dân sẽ đi xe máy?
Còn nhớ, chiều 8/9/2021, Sở GTVT từng trao giải cuộc thi tuyển ý tưởng về phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Một liên danh đạt giải nhì và được trao giải thưởng hơn 100.000 USD. Ngoài ra, năm đơn vị lọt vào vòng chung khảo nhưng không đạt giải cũng được trao thưởng 25.000 USD mỗi đơn vị.
Đơn vị được trao giải nhì là liên danh Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Research Institute (NSRI).
Một số giải pháp chống ùn tắc giao thông cho Thủ đô được đơn vị đạt giải đưa ra, gồm: mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông; cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân; phát triển giao thông công cộng; chuyển đổi dần nhận thức của người dân từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng...
Đến nay, ý tưởng của đơn vị đạt giải đã được Sở GTVT vận dụng được giải pháp nào chưa? Nên chăng cơ quan quản lý lập đề án cần tính toán lại việc thu phí ô tô vào nội đô để tránh phạm phải những sai lầm không đáng có?
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: "Việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội sẽ bị thu ít nhất 50.000-100.000 đồng mới chỉ là đề án được xây dựng để nghiên cứu đánh giá tổng thể".
TS. Nguyễn Hữu Đức cho biết, từ đề án này đưa vào thực hiện còn phải xem xét đánh giá nhiều yếu tố như: Tác động tới an sinh xã hội; Tác động kinh tế thu hút đầu tư; Tác động tới giao thông; Tác động tới kỹ thuật hạ tầng ranh giới thu phí; Công nghệ thu phí...
"Việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội tác động tới toàn thể xã hội chứ không riêng gì các phương tiện của Hà Nội. Vì Hà Nội là thủ đô của đất nước lượng phương tiện hàng ngày từ các địa phương tới Hà Nội cũng rất lớn. Trong khi, hệ thống phương tiện công cộng còn nhiều hạn chế", TS. Đức phân tích.
Theo TS. Đức, vấn đề cần tính tới nữa là hàng ngày người lao động đi vào nội đô bị mất phí ai sẽ chịu trả phí cho họ, liệu có xảy ra trường hợp người dân không đi ô tô nữa mà quay trở lại đi xe máy cá nhân. Như vậy, phát triển xã hội có bị thụt lùi đi không?
"Việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội liệu có thực sự giảm ùn tắc hay không, Sở GTVT lấy dẫn chứng một số nước thu phí ô tô, nhưng thực tế không phải nước nào họ cũng thực hiện thành công đâu. Không phải cứ nước ngoài làm được là đưa về áp dụng, mà còn phải đánh giá xem có phù hợp với văn hoá, sự phát triển của TP.Hà Nội hay không?", TS. Đức cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận