Thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội: Chuyên gia giao thông nói gì?
Qua khảo sát, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, hiện mỗi ngày Hà Nội có khoảng 33 nghìn lượt ô tô đi qua Vành đai 3 để vào nội đô, mỗi năm hơn 11 triệu lượt. Do vậy, khi thành phố thực hiện đề án thu phí vào khu vực này cần được nghiên cứu kỹ; tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến người dân.
Kinh nghiệm của Singapore
Đánh giá về tình trạng giao thông Hà Nội hiện nay, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông vào các khung giờ cao điểm vẫn xảy ra phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và tâm lý của người dân. Do vậy, nếu thành phố không đưa ra các giải pháp đồng bộ từ tổ chức giao thông, phát triển vận tải công cộng, đến kiểm soát phương tiện bằng kinh tế (thu phí), sẽ khó cải thiện được tình hình. Để có một đô thị hiện đại, văn minh, trong đó giao thông không ùn tắc, không khí không ô nhiễm, người dân cần chia sẻ với thành phố vì những nhiệm vụ chung.
Từ thực tế mô hình thu phí vào nội đô của một số nước trên thế giới, trong đó có Singapore, ông Công nói rằng, họ không thu ở tất cả các tuyến đường, tất cả các khung giờ. “Việc này vừa đảm bảo quyền lợi cho chủ xe (người dân có sự lựa chọn) vừa nhận được sự đồng thuận cao của dư luận”, ông nói.
Theo ông, họ chỉ thu phí trên các tuyến đường, khu vực thường xuyên ùn tắc, nếu vào nội đô, chủ xe đi vào các tuyến đường khu vực này sẽ mất phí. Nếu vào nội đô bằng cách đi tránh, đi vòng, họ sẽ không mất phí. Các khu vực thu phí chỉ thu vào giờ cao điểm, vào các giờ thấp điểm như sáng sớm, buổi trưa và buổi tối…, chủ phương tiện sẽ không mất phí.
PGT.TS Doãn Minh Tâm nêu ý kiến, theo Đề án quản lý xe cá nhân đã được HĐND thành phố thông qua năm 2017, đến năm 2030, các quận nội đô sẽ dừng hoạt động toàn bộ xe máy. “Hiện thành phố Hà Nội 5,6 triệu xe và hơn 600 nghìn ô tô; xe máy chiếm trên 90% và khi đã dừng phương tiện này thì đường sá nội đô sẽ vắng thoáng, ùn tắc sẽ không còn áp lực. Vậy lúc này mục tiêu thu phí ô tô vào nội đô có phù hợp?”, ông Tâm đặt câu hỏi.
Theo ông Tâm, Hà Nội muốn thực hiện thí điểm, tạo thói quen thì nên chọn đối tượng phương tiện ưu tiên để thực hiện, không nên chọn tất cả các loại phương tiện đi lại trên đường.
Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội chưa phản biện
PSG.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, cho rằng, đề án thu phí phương tiện vào nội đô được đưa ra nhưng chưa đảm bảo 3 điều kiện. Thứ nhất, điều kiện về hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân (quỹ đất đô thị dành cho giao thông Hà Nội là 10% - quy định là 24% trong tổng quỹ đất đô thị; vận tải công cộng khoảng 12%, trong khi điều kiện Nghị quyết 04 đưa ra 30 - 35% nhu cầu - PV).
Thứ hai, đề án liên quan người dân nhưng chưa có khảo sát ý kiến, chưa có đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội, trong khi đó Nghị quyết Trung ương 13 nêu rõ, những vấn đề liên quan đến người dân thì người dân phải được biết, được bàn, được kiểm tra, được giám sát và thụ hưởng. Thứ ba, đề án được đưa ra để trình HĐND thành phố xem xét, thông qua, nhưng các quy định của pháp luật hiện hành về thu phí giao thông vào nội đô chưa có.
Là cơ quan luôn tiếp nhận, thẩm tra và tổ chức hội nghị lấy các ý kiến phản biện của các tổ chức xã hội cho các đề án, nghị quyết liên quan đời sống người dân, nhưng trao đổi với PV Tiền Phong chiều 2/11, đại diện Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho biết, các thành viên trong Hội đồng chưa nhận được văn bản hay đề án nào của các sở, ngành Hà Nội liên quan thu phí phương tiện vào nội đô.
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội, cho rằng, tuy là đề án về giao thông nhưng lại có tác động và ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân. Theo Hiến pháp, người dân có quyền đi lại trên hạ tầng giao thông nhà nước quản lý, ngoài đi công việc, người dân có quyền đi thăm nom, khám chữa bệnh, thậm chí là đi chơi. Áp đặt thu phí hoặc gây cản trở việc đi lại của người dân cần phải đưa ra cơ sở pháp lý thuyết phục.
Các điều kiện đơn vị xây dựng đề án đưa ra như buộc người dân phải thay đổi hành trình hoặc không đi vào nội đô khi không cần thiết… hiện chưa rõ ràng. Thế nào là đi lại không cần thiết? “Ví dụ, tôi nhà ở Thanh Xuân, Hà Đông…, hôm nay được nghỉ làm, tôi đưa gia đình lên Hồ Tây hoặc Hồ Hoàn Kiếm để ngắm cảnh, thay đổi không khí sau những ngày làm việc căng thẳng thì liệu đó có là đi lại cần thiết?”, ông Tuyến đặt câu hỏi.
Với góc độ người dân tham gia giao thông, ông Tuyến nói rằng, khi ông đã mua ô tô và nếu đi giải quyết công việc thì mục tiêu công việc lúc đó là trên hết, do vậy phí vào nội đô có 50.000 đồng hay 100.000 đồng lúc đó không quan trọng đối với ông. Từ thực tế này, ông Tuyến cho rằng, cơ quan xây dựng đề án cần thêm thời gian nghiên cứu kỹ lại, cần đưa ra loại hình phương tiện cụ thể để thu phí cho hiệu quả; cần khảo sát ý kiến dư luận và có đánh giá sâu hơn tác động của đề án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận