Thu phí giảm mạnh vì dịch Covid-19, nhà đầu tư BOT "gồng mình" gánh lãi vay
Do tình hình dịch Covid-19 lan rộng, cùng với việc cách ly xã hội kéo dài khiến cho nhiều doanh nghiệp về lĩnh vực giao thông lao đao, sụt giảm doanh thu không đủ tiền chi trả các khoản lãi vay hàng ngày. Nếu không có cơ chế phù hợp nhiều doanh nghiệp có nguy cơ vỡ phương án tài chính trong đó có cả nhà đầu tư BOT.
Cụ thể, mọi hoạt động kinh tế xã hội, giao thông vận tải, dịch vụ thương mại, trừ sản xuất và buôn bán mặt hàng thiết yếu, thì đều đã chính thức tạm ngừng bởi lệnh cách ly toàn xã hội (hiệu lực từ 1/4). Đặc biệt, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, việc kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội tới hết tháng 4 là điều rất có thể và sẽ làm cho hoạt động kinh doanh vận tải bị ngưng trệ "tê liệt" do người dân phải hạn chế ra đường.
Không đủ trả lãi
Đáng chú ý, hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, chuyên chở hàng hoá cũng đã phải tạm dừng hoạt động khiến cho nguồn cung nguyên - nhiên liệu không ổn định, doanh thu hằng tháng cũng bị kéo tụt nghiêm trọng. Trong đó, doanh thu tại các trạm thu phí BOT cũng bị sụt giảm khó đảm bảo phương án tài chính có nguy cơ phá sản.
Theo thống kế của Tổng công ty PTHT và ĐT tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 làm cho lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần từ dịch Covid-19 cùng với đó là các phương án cách ly xã hội, kiểm soát phương tiện, hạn chế các phương tiện ra/vào TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cũng làm cho phương tiện sụt giảm.
Từ những nguyên nhân trên làm cho doanh thu thu phí BOT trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của tháng 3/2020 chỉ đạt 105,1 tỷ trong khi đó tháng 3/2019 đạt 147,7 tỷ, (bằng 71% so với tháng 3/2019, sụt giảm 30%). Từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 07/4/2020 chỉ đạt 8,24 tỷ đồng (tức là giảm đến 75% so với cùng kỳ năm trước), doanh thu thu phí từ ngày 01/4/2019 đến hết ngày 07/4/2019 là 32 tỷ đồng.
Cùng chung hoàn cảnh sụt giảm doanh thu, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng công bố tình hình kinh doanh trong quý I/2020 trên 4 tuyến cao tốc đang quản lý với những con số giật mình.
Trong 3 tháng đầu năm lượng phương tiện do VEC phục vụ 11,57 triệu lượt phương tiện, giảm 2,4% về lượng và 3% về doanh thu so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, khi lượng phương tiện qua tuyến trong quý I chỉ bằng 93% cùng kỳ năm ngoái, với 2,86 triệu lượt phương tiện; doanh thu giảm 14,1%. Phương tiện qua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sụt giảm 1,8%, chỉ còn khoảng 4,3 triệu lượt phương tiện.
Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tiếp nhận trên 4 triệu lượt phương tiện, sụt giảm không đáng kể về lượng, nhưng doanh thu lại thấp hơn cùng kỳ 2019 là 1,5%. Trong 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, chỉ có duy nhất cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có sự tăng trưởng về lưu lượng phương tiện với 527.200 lượt phương tiện lưu thông nếu so với 514.400 lượt phương tiện trong 3 tháng đầu 2019, con số này lại nhỉnh hơn 2,5% về lượng.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ
Báo cáo của VEC cho thấy, trong tháng 3/2020, lượng phương tiện cũng như doanh thu thu phí của VEC giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, tương đương 15,8% và 16,2%. Điều này khiến VEC thiệt hại 58 tỷ đồng doanh thu thu phí.
Hai tuyến cao tốc thiệt hại lớn nhất là Nội Bài – Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình với mức sụt giảm doanh thu tương ứng là cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây cũng mất tới 13,3% doanh thu so với tháng 3/2019 là 28,6% và 15,4%. Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây mất tới 13,3% doanh thu so với tháng 3/2019.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách... bị ảnh hưởng rõ rệt. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo bằng những hành động, giải pháp cụ thể nhằm tập trung thực hiện "nhiệm vụ kép" là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ GTVT đang phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt... và rà soát, có các giải pháp cụ thể hỗ trợ, giảm chi phí cho doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp BOT đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí như dự kiến trong hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016. Bên cạnh đó, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ. Các doanh nghiệp BOT đang gặp rất nhiều khó khăn, nay thêm dịch Covid-19, lượng xe tiếp tục giảm dẫn đến càng khó khăn hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận