menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Chín

Thu nợ trái phiếu

Gần đây tôi thường nhận được điện thoại của bạn bè và của cả nhà đầu tư không quen biết, hỏi về việc làm sao để bán hoặc thu lại tiền gốc trái phiếu. - VnExpress

Họ biết tôi làm nghề xếp hạng trái phiếu, một số còn lầm tưởng tôi và công ty tôi có dịch vụ tư vấn và môi giới mua bán trái phiếu. Nhưng hoạt động của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập không cho phép làm vậy. Điều tôi chỉ có thể làm là đưa ra những hướng dẫn cơ bản để họ tự đánh giá chất lượng tín dụng và rủi ro khi nắm giữ trái phiếu đó; hoặc trao đổi về phương án khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay.

Tâm lý bất ổn của nhiều nhà đầu tư trái phiếu là điều dễ hiểu sau các sự kiện gần đây. Tuy nhiên, để thu nợ trái phiếu đối với nhà đầu tư cá nhân không phải là chuyện dễ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa có thị trường giao dịch trái phiếu tập trung, thông tin chưa minh bạch. Trái phiếu cũng chưa được "dán nhãn" với mức xếp hạng tín nhiệm rõ ràng để người mua người bán có thể "ngã giá" dựa trên cơ sở đó.

Cách phổ biến hiện nay mà nhà đầu tư hay làm là bán lại cho đơn vị phân phối trung gian qua đầu mối đã tư vấn cho họ trước đó ở công ty chứng khoán. Nhưng không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng mua lại như trước vì khó tìm ngay được nhà đầu tư mới mua lại hay tiếp quản, kể cả có chấp nhận giá bán thấp hơn đáng kể giá trị đầu tư ban đầu, do tâm lý e ngại sau một số trường hợp vi phạm gần đây.

Vậy nhà đầu tư đang "ôm" trái phiếu doanh nghiệp nên ứng xử ra sao? Đầu tiên, nên tìm hiểu chất lượng trái phiếu mình đang sở hữu. Không phải trái phiếu nào cũng rủi ro vỡ nợ cao. Các sự việc có dấu hiệu vi phạm như Tân Hoàng Minh hay An Đông của Vạn Thịnh Phát là những sự kiện đơn lẻ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể cả trong ngành bất động sản, có tỷ lệ đòn bẩy nợ rất thấp, một số đa dạng hóa được nguồn thu, chất lượng quản trị doanh nghiệp tốt và dòng tiền trả nợ được đánh giá là có thể đáp ứng được trước áp lực đáo hạn trái phiếu trong môi trường lãi suất đang gia tăng hiện nay.

Do đó, sẽ là điều đáng tiếc cho thị trường và tổn thất cho chính nhà đầu tư nếu tìm cách bán lại trái phiếu bằng mọi giá. Nếu vì lý do "trào lưu" mà nhà đầu tư xếp hàng thực hiện "bond-run" (yêu cầu tất toán/ mua lại trái phiếu ngay lập tức) thì doanh nghiệp dù tốt tự dưng trái phiếu của họ cũng thành "xấu", hoặc rơi vào trạng thái vỡ nợ vì bị rút đột ngột trước hạn chứ không phải vì họ yếu dòng tiền hoặc kinh doanh kém.

Nhìn ở góc độ tính an toàn hệ thống tài chính thì những tác động dây chuyền từ trái phiếu có mức độ rủi ro là rất thấp mặc dù có thể sẽ có thêm một số trường hợp chậm trả lãi hoặc gốc trái phiếu. Số dư trái phiếu doanh nghiệp vào cuối tháng 9/2022 giảm còn khoảng 1,3 triệu tỷ đồng do hoạt động mua lại trái phiếu gia tăng cũng như hoạt động phát hành mới ở quy mô thấp. Trong số này nếu trừ đi số trái phiếu do ngân hàng phát hành, vốn có rủi ro thấp hơn nhiều, thì trái phiếu doanh nghiệp do các đơn vị phi ngân hàng phát hành giảm, chỉ còn hơn 909 nghìn tỷ đồng, trong đó trái phiếu của ngành bất động sản vào khoảng 455 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Vậy nếu chẳng may sở hữu trái phiếu "có vấn đề", nhà đầu tư có thể xem xét các phương án nào?

"Hàng đổi hàng" là một phương án. Trong trường hợp này, trái chủ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm của họ, như bất động sản, bao gồm căn hộ, đất phân lô, thậm chí biệt thự.

Còn một giải pháp khác là thu xếp giãn nợ. Những người nắm giữ trái phiếu có thể yêu cầu đơn vị đại diện chủ nợ hoặc đơn vị phân phối tổ chức đàm phán với doanh nghiệp và thực hiện giãn kỳ hạn trả nợ, kết hợp với việc thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đó.

Phương án này sẽ giúp giải quyết khó khăn cho chính doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư không phải cắt lỗ và có cơ hội thu hồi khoản đầu tư đó trong tương lai. Tùy theo mức độ rủi ro và triển vọng của dự án mà nhà đầu tư đàm phán giữ nguyên lãi suất hoặc tăng lãi suất trái phiếu đã được đánh giá lại và thỏa thuận với doanh nghiệp.

Phương án này hiện cũng rất phổ biến ở thị trường trái phiếu Trung Quốc. Tỷ lệ vỡ nợ hiện ở mức 1,35% trên quy mô thị trường 8 nghìn tỷ USD, chiếm tới 44% GDP của nước này. Tuy nhiên, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu có lãi suất cao hiện lên tới 28% vào giữa năm 2022. Với sự chung tay của người sở hữu trái phiếu, 46% trong tổng số 97 lô trái phiếu vỡ nợ của các doanh nghiệp bất động sản từ đầu 2018 đến giữa 2022 đã được giải quyết mà không qua các thủ tục tòa án hoặc sự can thiệp trực tiếp của cơ quan quản lý. Những thủ tục này vốn mất rất nhiều thời gian và mang lại kết quả khá "đau đớn" cho cả hai bên.

Tương tự, 32% trong tổng số 142 lô trái phiếu quốc tế của 36 doanh nghiệp bất động sản đã được tái cấu trúc với kỳ hạn mới và hoàn trả một phần tiền gốc. Các biện pháp này đã góp phần đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc trong tầm kiểm soát.

Kết quả trên của Trung Quốc cũng có sự can thiệp và chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước mà Việt Nam có thể tham khảo với các hình thức khác nhau: chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay mua nhà nếu chứng minh là không đầu cơ; chỉ đạo các định chế hoặc doanh nghiệp nhà nước mua lại dự án của một số chủ đầu tư bất động sản rơi vào tình trạng vỡ nợ; tạo quỹ giải cứu bất động sản...

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cần có được sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ nợ, sự tham gia của các định chế tài chính trung gian trong vai trò tư vấn, "hòa giải" và đặc biệt là sự chia sẻ và đồng hành tiếp tục của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu. Đó cũng là trách nhiệm khi đi đầu tư vào một tài sản có rủi ro cao. Đó cũng là cách để hướng tới sự phát triển bền vững và tránh những đổ vỡ dây chuyền đem đến sự thiệt hại cho tất cả các bên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
8 Yêu thích
5 Bình luận 21 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại