24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hướng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thu nhập ở mức đóng thuế là “trượt” diện được mua nhà ở xã hội

Việc phát triển nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Người mua tiếp cận loại nhà này cũng không dễ dàng, vì chỉ cần có thu nhập thuộc diện nộp thuế sẽ không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Chia sẻ tại Hội thảo Đột phá phát triển nhà ở xã hội, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho biết thị trường nhà ở xã hội đã sôi động trở lại trong hai năm qua. Tuy nhiên, hiện này vẫn còn nhiều điều cần phải bàn khi việc đầu tư nhà ở xã hội vẫn gặp khó khăn, thách thức.

Mất 4 năm để xin điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng

Chị Lê Thị Hằng, Công nhân Công ty CCHTop- KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), mong muốn được tiếp cận nhà ở xã hội nhanh nhất. Nhưng với mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng, giá cả leo thang, chị không có nhiều cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.

Với mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, chị Hằng mong muốn mua một căn nhà 45-50 m2, với giá khoảng 1 tỉ đồng. Chị mong muốn trả trước 20% và giá trả mỗi tháng 3-4 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về nhà ở xã hội, nữ công nhân này cho rằng thủ tục và điều kiện để tiếp cận được vốn vay ưu đãi không đơn giản như chị nghĩ.

Là một doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, chia sẻ nhiều khó khăn khi tham gia đầu tư. Công ty Lê Thành đang triển khai hai dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM và không gặp vấn đề gì về đất đai do quỹ đất của hai dự án này do công ty tạo lập. Vướng mắc đầu tiên là câu chuyện điều chỉnh quy hoạch, mất rất nhiều thời gian.

Ông Nghĩa cho biết, doanh nghiệp phải mất 4 năm để xin điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dự án của công ty ông đã được tháo gỡ, tiến độ được đẩy nhanh khi được các sở, ngành thành phố vào cuộc.

Một vấn đề khác cũng được ông Nghĩa đề cập là khâu chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở ngành rất lâu, có khi sáu tháng không thấy trả lời.

Về vốn, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành cho hay mới chỉ nghe nhiều về gói vay ưu đãi này, ưu đãi kia trên báo, trên ti vi chứ chưa thấy đâu. Trong khi đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12%. Ông cho rằng, mức lãi vay như vậy là quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội.

Thu nhập ở mức đóng thuế là “trượt” diện được mua nhà ở xã hội

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện có nhiều điểm nghẽn trong câu chuyện về nhà ở xã hội. Một trong những ách tắc khiến cho người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội chính là quy định về đối tượng thụ hưởng.

Theo ông Châu, chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội, nhưng thực tế rất nhiều người đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.

Ông Châu cũng cho biết trong dự thảo Luật Nhà ở hiện nay bổ sung nhà ở, nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng thiếu nhà lưu trú nằm ngoài khu công nghiệp. Điển hình như Công ty PouYeun là công ty với hàng ngàn công nhân, nằm ngoài khu công nghiệp nhưng không có nhà lưu trú cho công nhân.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và không thực thi; quy hoạch và quỹ đất, giải phóng mặt bằng khó khăn thì một nguyên nhân nữa là nguồn vốn chưa bền vững và lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội chưa thu hút.

Mặt khác, vướng mắc về trình tự, thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội; hoạt động thanh kiểm tra phức tạp; doanh nghiệp chưa đầu tư vào công nghệ; không biết, không dự báo được nhu cầu.

Trong khi đó, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng hiện có nhiều vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM. Lĩnh vực này cũng chịu tác động của sáu đạo luật nhưng các thông tư, hướng dẫn chi tiết lại không có nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống. Quan điểm, nhận thức của đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội cũng khác nhau nên ảnh hưởng đến định hướng phát triển nhà ở xã hội.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành. Ngoài ra, sở sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó có cơ chế trích tiền lương đưa vào từ 2-3 năm để có quỹ nhà ở xã hội trong tương lai.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nhà ở xã hội, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho biết từ năm 2006 tỉnh đã dành 7% đất ở cho các dự án nhà ở trên địa bàn. Quỹ đất này được tạo ra từ nhiều nguồn.

Ngoài ra, tỉnh cũng rà soát lại quỹ đất phát triển công nghiệp từ năm 1995 đến nay với khoảng 10%, tỉnh đang nghiên cứu một đề án cây xanh kết hợp nhà ở xã hội. Đây là nguồn quỹ đất cho sau năm 2030.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng phát triển các tuyến đường Vành đai 3, 4 và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Khi triển khai các dự án này cũng tạo ra một quỹ đất khoảng 900 ha, trong đó dành ít nhất 20% để phát triển nhà ở xã hội.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả