Thu ngân sách nhà nước năm 2020 vượt ngoài mong đợi
Thông tin tại hội nghị cuối cùng của năm về NSNN, Bộ Tài chính ước thu NSNN năm 2020 đạt 1.481,6 nghìn tỷ đồng đạt 98% so dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.
Ngày cuối cùng của năm, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước năm 2020 diễn ra tại 66 điểm cầu trung ương và các địa phương.
Trước đó, tới hết 28/12/2020, tổng thu ngân sách nhà nước đã đạt 1.426 nghìn tỷ đồng, bằng 94,32% dự toán. Kết quả trên đã cao hơn 101,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Đây là kết quả ngoài mong đợi, theo đánh giá của rất nhiều báo cáo từ địa phương.
Thu nội địa cán đích trong bối cảnh đầy khó khăn
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, tính đến hết ngày 30/12/2020: Tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý đạt 1.261.662 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán.
Trong đó, thu nội địa đạt 1.227.245 tỷ đồng, bằng 100,7% dự toán. Số thu nội địa từ thuế, phí đạt 929.591 tỷ đồng, bằng 91,3% dự toán.
Theo tổng hợp báo cáo của 63 địa phương, ước thu đến hết 31/12/2020 đạt khoảng 1.262.200 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.227.800 tỷ đồng, bằng 100,7% dự toán. Số thu nội địa từ thuế, phí ước đạt 928.000 tỷ đồng, bằng 91,2% dự toán (hụt 90.100 tỷ đồng).
Theo số ước thu này, có 55/63 địa phương đạt và vượt dự toán với tổng số vượt khoảng 69.000 tỷ đồng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn tại điểm cầu Tổng cục Thuế.
Ngành Thuế đánh giá, việc các địa phương đã đẩy mạnh đấu giá đất, cấp quyền sử dụng đất đã góp phần tăng thu từ đất đai. Báo cáo cho thấy, thu tiền sử dụng đất ước đạt khoảng 166,5 nghìn tỷ đồng, vượt 70,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán; thu tiền thuê đất đạt khoảng 37,3 nghìn tỷ đồng, vượt 11,8 nghìn tỷ đồng...
Đóng góp vào kết quả chung của cả nước, có 29 địa phương hoàn thành cả về tổng số thu và thuế, phí như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang, Nghệ An, Yên Bái, Bình Thuận...
Cùng với đó, có 26 địa phương đã nỗ lực để hoàn thành tổng thu trên địa bàn như: TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế... góp phần cùng toàn ngành Thuế hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 mà Quốc hội, Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, còn 8 địa phương không hoàn thành dự toán (hụt thu khoảng 77.000 tỷ đồng) là Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hòa Bình, TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP. HCM, Phú Yên.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, kết quả thu của các địa phương này không hoàn thành dự toán do nguyên nhân khách quan. Trong đó, các địa phương như TP. HCM, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa cơ cấu kinh tế từ dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nên số thu ngân sách trên địa bàn chịu tác động mạnh của đại dịch bệnh Covid-19.
Các địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Nam chủ yếu do sản lượng ô tô tiêu thụ sụt giảm mạnh. Các địa phương như Hòa Bình, Phú Yên có số thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn do tình hình đấu giá đất của các dự án chưa đạt kế hoạch, nên số thu tiền sử dụng đất không đạt dự toán. Với tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu do giá sản phẩm lọc hóa dầu giảm so với dự toán.
Thu ngân sách qua hải quan giảm 9,6% cùng kỳ
Thông tin về tình hình thu ngân sách nhà nước năm 2020 của ngành Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế từ đầu năm đến 7h ngày 31/12/2020 đạt 315.581 tỷ đồng, bằng 93,37% dự toán thu ngân sách nhà nước (338.000 tỷ đồng) giảm 9,6% so cùng kỳ 2019.
Tình hình thu ngân sách nhà nước trong những ngày cuối năm tương đối khả quan, do vậy ước thực hiện cả năm đạt 316.000 tỷ đồng, bằng 93,49% dự toán, bằng 89,03% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019 (347.290 tỷ đồng).
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn tại điểm cầu Tổng cục Hải quan
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, nguyên nhân tình hình thu thấp hơn so với dự toán được giao và so với cùng kỳ năm trước là do năm 2020, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, sạt lở, giông lốc, dịch bệnh, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 diễn ra tại nhiều địa phương ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.
Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu có thuế một số mặt hàng có thu lớn giảm mạnh so cùng kỳ năm 2019 như: trị giá xăng dầu ước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 40,9%; ô tô nguyên chiếc ước đạt 2,33 tỷ USD, giảm 24,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng ô tô ước đạt 583 triệu USD, giảm 29,2%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 17,66 tỷ USD, giảm 9,4%; sắt thép các loại ước đạt 6,2 tỷ USD, giảm 14,2%; linh kiện phụ tùng ô tô đạt 3,6 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, năm 2020, ước giảm thu từ các Hiệp định thương mại tự do trong năm 2020 khoảng 13.900 tỷ đồng.
Chi thường xuyên tăng hơn 37 nghìn tỷ so với cùng kỳ
Tại điểm cầu Kho bạc Nhà nước, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Đức Chi đã thông tin về công tác chuẩn bị khóa sổ, quyết toán năm 2020 và số liệu thu, chi ngân sách nhà nước, huy động vốn và quản lý ngân quỹ đến hết ngày 30/12/2020 của đơn vị.
Theo đó, tính đến 17h ngày 30/12/2020, lũy kế thu ngân sách nhà nước trong cân đối đạt 1.448.096 tỷ đồng, bằng 95,75% so với dự toán năm 2020.
Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 750.050 tỷ đồng, bằng 88,06% so với dự toán năm năm 2020. Thu ngân sách địa phương đạt 698.046 tỷ đồng, bằng 105,68% so với dự toán năm năm 2020.
Về chi thường xuyên, tính đến hết ngày 30/12/2020, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát ước đạt 943.008 tỷ đồng, bằng 84,3% dự toán chi thường xuyên năm 2020 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2019, chi thường xuyên đã tăng 37.142 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 bằng 86,9% so với dự toán).
Với diễn biến phức tạp và những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra, tính đến hết ngày 30/12/2020, ngân sách nhà nước đã phải chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho gần 13 triệu người dân. Đồng thời đã đề xuất cấp 36,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Về chi đầu tư, tính đến hết ngày 30/12/2020, ước lũy kế giải ngân vốn đầu tư công là 455.213,4 tỷ đồng, bằng 80,3% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao và kế hoạch kéo dài (566.761,1 tỷ đồng). Như vậy, số chi đã bằng 72,1% tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (631.445,3 tỷ đồng).
Tổng thu ngân sách tăng gần 160 nghìn tỷ so với dự tính
Tại hội nghị, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ ngân sách Nhà nước đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ Tài chính.
Theo đó, căn cứ số liệu đến ngày 30/12/2020, ước thực hiện cả năm 2020, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.481,6 nghìn tỷ đồng, đạt 98% so dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước đạt 23,5% GDP, riêng thuế, phí đạt 18,9% GDP.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ ngân sách Nhà nước
Bộ Tài chính đánh giá đây là những con số hết sức tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91%, thấp hơn nhiều so mục tiêu (6,8%) và thực hiện nhiều giải pháp chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.
Về chi ngân sách, trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách các cấp khó khăn, song nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý chi ngân sách nhà nước, ngành Tài chính vẫn đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Một điểm sáng trong điều hành là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so năm trước, lũy kế hết tháng 12 đã đạt gần 83% kế hoạch năm.
Cùng với đó, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép, tương ứng khoảng 4,2%GDP và 55,9%GDP.
Tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Kết quả đạt được trong năm 2020 là rất tích cực và toàn diện trong bối cảnh chúng ta chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, khẳng định sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Các kết quả này cũng là tiền đề quan trọng để chúng ta tự tin bước vào năm 2021, năm đầu của kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận