Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Khởi đầu thuận lợi
Ngay từ những ngày đầu của năm 2020, Việt Nam đã đón dự án FDI có quy mô lớn tới 4 tỷ USD, nhờ đó thu hút vốn nước ngoài đã mở đầu khá thuận lợi và trở thành điểm sáng đáng chú ý của bức tranh kinh tế tháng đầu năm.
Giải toả cơn khát vốn lớn
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, tính đến 20/1/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đạt 5,33 tỷ USD, tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trái ngược với xu hướng ảm đạm trong năm 2019, dòng vốn đăng ký mới đã ghi nhận sự bứt phá ngay trong tháng đầu tiên của năm 2020. Theo đó, cả nước có 258 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% về số lượng; tổng vốn đăng ký cấ́p mới đạt 4,46 tỷ USD, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đăng ký mới tăng mạnh do trong tháng 1 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD. Nhờ đó, quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án mới cũng tăng mạnh, từ mức 3,6 triệu USD trong tháng 1/2019 lên 17,3 triệu USD trong tháng 1/2020.
Ở chiều ngược lại, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài lại giảm nhẹ so với cùng kỳ. Cụ thể, trong tháng 1/2020, có 77 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 334 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Về góp vốn, mua cổ phần, cả nước có 884 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 534,8 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Sự xuất hiện của dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu đã giải toả cho cơn khát dự án vốn lớn trong suốt năm vừa qua. Bởi lẽ tính chung cả năm 2019, dự án đăng ký mới lớn nhất chỉ có quy mô vốn là 650 triệu USD do NĐT Hồng Kông rót vào TP. Hồ Chí Minh.
Mặc dù vốn đăng ký mới tăng tới hơn 5 lần, song vẫn phải nhìn vào thực tế rằng đây chủ yếu là nhờ dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu. Ngoài dự án này, tất cả các dự án đăng ký mới trong tháng đầu năm 2019 đều có quy mô dưới 50 triệu USD.
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, sự thiếu vắng các dự án tỷ USD đăng ký mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là điều đã được các cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài dự báo từ trước. Ông lưu ý, từ năm 2017 cho đến nay, các dự án đăng ký mới có quy mô từ 1 tỷ USD trở lên đều là trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng. Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chủ yếu là các NĐT lớn tăng vốn hoặc các dự án quy mô nhỏ đầu tư mới để hoàn thiện chuỗi sản xuất tại Việt Nam. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2020.
Tập trung giải ngân cho tốt
Xét trong bối cảnh chung, GS. TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đánh giá, kết quả thu hút vốn nước ngoài của Việt Nam trong năm 2019 là tương đối thành công. Đây sẽ là cơ sở để thực hiện được các mục tiêu đặt ra cho năm 2020 và giai đoạn trung, dài hạn.
Ông Mại phân tích, báo cáo Đầu tư nước ngoài năm 2019 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận xét, FDI toàn cầu năm 2018 đạt 1.300 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2017. Nguyên nhân chính của tình trạng giảm sút FDI là việc khá nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ hồi hương từ nước ngoài để hưởng chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ, một số nước phát triển giảm đầu tư ra nước ngoài làm cho FDI của họ giảm khoảng 25%.
Trong bối cảnh đó, GS. Nguyễn Mại cho rằng các mục tiêu thu hút FDI đặt ra trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng, chính sách trong thu hút vốn nước ngoài là khá phù hợp. Ông nhấn mạnh lại quan điểm không nên quá coi trọng việc phải thu hút được bao nhiêu vốn đăng ký mới, mà chỉ nên coi đây là chỉ tiêu định hướng để tạo điều kiện cho vốn thực hiện. Mục tiêu của giai đoạn 2021- 2025 vốn thực hiện đạt 20 - 30 tỷ USD/năm, và giai đoạn 2026 - 2030 là 30 - 40 tỷ USD/năm là hiện thực, vì năm 2019, vốn thực hiện khoảng 19 tỷ USD, tốc độ tăng bình quân năm 7-8% hoàn toàn khả thi.
Cùng với đó, cần chú trọng vào chiến lược thu hút để sàng lọc dự án, khắc phục các nhược điểm trong suốt 30 năm thu hút FDI của nước ta, tập trung vào các vấn đề chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…
GS. Nguyễn Mại cũng nhắc lại một xu hướng đầu tư khác của NĐT nước ngoài. Đó là bên cạnh phương thức góp vốn đã được thực hiện ở Việt Nam trong 30 năm qua với các hình thức chủ yếu như hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh và 100% vốn nước ngoài, M&A; hiện nay NĐT nước ngoài đang đẩy mạnh phương thức đầu tư không góp vốn (NEM). Điển hình là mô hình Vingroup hợp tác với một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như GM của Mỹ, Siemens của Đức để sản xuất ô tô tại Nhà máy VinFast. Một số NĐT sẽ vào Việt Nam thông qua phương thức NEM trước, cho đến khi kinh doanh có lợi nhuận và đạt đồng thuận với đối tác trong nước thì chuyển sang phương thức góp vốn để tham gia quản trị DN. Vì vậy, không nên vội lo lắng khi thấy vốn đăng ký mới sụt giảm hay thiếu các dự án quy mô lớn.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, các chuyên gia quốc tế lại lo ngại hơn về sự sụt giảm của hình thức đầu tư trực tiếp. Ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam lập luận, điều đó đồng nghĩa với số NĐT nước ngoài đăng ký đầu tư mới tại Việt Nam sụt giảm; vốn FDI đăng ký mới giảm mạnh có thể kéo theo sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam những năm tới, trong khi xuất khẩu vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Do vậy, để giữ sức bền cho hoạt động xuất khẩu, sự tăng trưởng của nền kinh tế, thì ngoài thúc đẩy sản xuất trong nước, cần giữ được ổn định thu hút FDI và hoạt động sản xuất của khu vực này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận