Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Làm sao tăng tốc?
Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do dịch bệnh, Việt Nam vẫn là thỏi nam châm trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Tám tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD; 4.804 lượt góp vốn, mua cổ phần, tổng giá trị 4,93 tỷ USD. Vấn đề hiện tại là cần có sự điều chỉnh chính sách để thỏi nam châm kia hút được các nhà đầu tư chất lượng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thời hậu Covid-19.
Tiếp “lực” cho bánh đà bứt tốc
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Việt Nam từ lâu là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài, do nằm trong khu vực năng động, có hậu cần tốt cho thương mại. Chưa kể mức lương công nhân tại Việt Nam chỉ bằng một phần hai so với Thái Lan và Malaysia nhưng chất lượng nguồn lao động có trình độ công nghệ cao đã được cải thiện. Gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến thu hút những tên tuổi như Intel, Samsung, LG… và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Statista chỉ rõ, về tổng vốn đầu tư nước ngoài trong bảy năm gần nhất (2013-2019), Việt Nam đạt 92,48 tỷ USD (chỉ tính vốn giải ngân) vượt trội so với Thái Lan (60,21 tỷ USD), Malaysia (61,51 tỷ USD), Philippines (51,45 tỷ USD), cả về giá trị tuyệt đối, tỷ trọng đầu tư nước ngoài so với quy mô nền kinh tế.
Dù Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự đoán, đại dịch Covid-19 sẽ khiến dòng vốn FDI toàn cầu giảm 30% nhưng tờ Bloomberg vẫn khẳng định, Việt Nam là điểm đến của nhiều dự án. Số liệu thống kê về đầu tư do Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố chắc chắn không thể so với năm ngoái, nhưng trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kết quả này được đánh giá “tốt hơn nhiều quốc gia khác”.
Doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao điểm đến đầu tư Việt Nam, bởi khả năng kiểm soát dịch Covid-19 và uy tín trong cộng đồng quốc tế được nâng cao. Đặc biệt, việc Việt Nam duy trì ổn định chính trị và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và chú trọng ký kết hiệp định thương mại với các nước và khu vực, cũng khiến các nhà đầu tư coi như cơ hội khai thác lợi ích do các hiệp định này mang lại.
Gần đây, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, có đến một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản nhận hỗ trợ của Chính phủ để dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã chọn Việt Nam. Nhiều công ty Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ cũng chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Như vậy, bánh đà hút FDI của Việt Nam đã chạy, vấn đề làm thế nào để tiếp lực bứt tốc.
Cần hành động nhanh chóng
Hậu đại dịch Covid-19, có một luồng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Để đón được luồng FDI đang dịch chuyển đó, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam không thể ngồi chờ mà cần nhanh chóng hành động và có sự điều chỉnh chính sách phù hợp.
Hiện Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… ngay lập tức công bố một loạt chính sách thu hút đầu tư mới. Ấn Độ cũng đã công bố một chương trình ưu đãi sản xuất đặc biệt, với khoảng 5,5 tỷ USD trong năm năm cho năm công ty sản xuất điện thoại thông minh.
Cuộc đua thu hút FDI càng quyết liệt hơn khi Trung Quốc đang tìm mọi cách giữ chân nhà đầu tư. Sau khi công bố Luật Đầu tư nước ngoài vào năm ngoái, ngay đầu tháng Tám, nước này chính thức công bố sẽ ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tới mười năm cho các doanh nghiệp điện tử, nhất là các công ty sản xuất chip. Bloomberg từng nhận định, sẽ không có nước nào có thể thay thế Trung Quốc trong vai trò công xưởng thế giới. Nay lại thêm những chính sách mới mà Bắc Kinh vừa tung ra, chưa chắc các công ty sẵn sàng rời bỏ thị trường này.
Trong tình thế ấy, trao đổi với TG&VN, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, để đón đầu dòng vốn dịch chuyển hậu Covid-19, hiện Chính phủ Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài và đã triển khai những hoạt động đầu tiên.
Thực tế, Việt Nam đã và đang hấp dẫn hơn nhiều nước trong khu vực về thu hút FDI, tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh tỉnh, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, sự yếu kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ… đang là một cản trở lớn. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng hơn, đồng thời có các chính sách đáp ứng các cam kết quốc tế.
TS. Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tái cơ cấu khu vực công nghiệp với trọng tâm phát triển công nghiệp phụ trợ và chuỗi giá trị vật chất, đặc biệt là các phân khúc như sản xuất, nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp và thị trường nhất định; giải quyết những tồn tại bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần, cải thiện kỹ năng của người lao động. Ngoài ra, các địa phương cần phối hợp để phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu, các vùng công nghiệp và các vùng kinh tế trọng điểm để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu.
Cùng với xu hướng chuyển dịch toàn cầu, đây là thời điểm Việt Nam cần hành động nhanh chóng, không thể đứng chờ “đại bàng”, hay thậm chí chỉ là “chim sẻ” tới làm tổ.
Hiện LG Electronics đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh từ Hàn Quốc sang Hải Phòng. Panasonic có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất tủ lạnh và máy giặt lớn từ Thái Lan qua Việt Nam vào tháng Chín, để nâng cao hiệu quả chi phí. Apple đã mở rộng sản xuất tai nghe AirPods tại Việt Nam lên 4 triệu chiếc trong qúy II/2020, tương đương 30% tổng sản lượng AirPods trên toàn cầu. Heineken đã đầu tư 68,8 triệu USD vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để nâng mức đầu tư lên 381 triệu USD; đồng thời nâng công suất của nhà máy trên địa bàn từ 610 triệu lít bia mỗi năm như hiện nay lên 1,1 tỷ lít. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận