menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Thu hút FDI: Việt Nam vẫn đầy sức hút giữa tâm “ bão”

Đại dịch khiến “thỏi nam châm” hút vốn FDI phát huy sức mạnh.

Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế trong nước và thế giới, Việt Nam vẫn duy trì sức hút đối với dòng vốn FDI và được giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao.     

“Thỏi nam châm” hút vốn FDI

Mới đây, hãng tin hàng đầu về kinh tế tài chính thê giới Bloombergcó bài phản ánh dù kinh tế bị sụt giảm đột ngột do dịch bệnh Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn đang là “thỏi nam châm” hút vốn FDI của khu vực.

Quả thực, những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một “mắt xích” quan trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút nhiều “ông lớn” của thế giới như Intel, Samsung, LG…

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong vòng 8 tháng qua, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả này, đặt trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh trên toàn cầu do tác động của đại dịch, được Cục Đầu tư nước ngoài nhận định là tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác, thể hiện “sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế”.

Phản ứng của giới chuyên gia, doanh nghiệp các nước tại một số hội nghị về thu hút FDI những ngày gần đây cũng khẳng định điều đó. Trao đổi tại Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - Ngôi sao đang lên” ngày 7/9, ông NiruktSapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á cho rằng với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ như dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở, Việt Nam tiếp tục mang lại những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Chia sẻ tại Hội nghị “Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản 2020” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức ngày 9/9, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đều khẳng định sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.

Vừa qua, JETRO cũng công bố danh sách 15 doanh nghiệp nước này (trong tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hóa chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.

Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa, trong đó nhiều tên tuổi lớn chọn lĩnh vực đầu tư là sản xuất đồ bảo hộ, sản phẩm phục vụ y tế, như Công ty Able Yamauchi, Công ty TNHH Quốc tế Showe sản xuất áo choàng, găng tay, khẩu trang y tế; Công ty TNHH Techno Global sản xuất tấm chắn mặt y tế; Công ty TNHH Hashimoto Cross sản xuất mũ, khăn ướt, khẩu trang y tế; Công ty TNHH Nikkso sản xuất dây chuyền dịch.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư mở rộng kinh doanh sản xuất. Không chỉ có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mà hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng tăng cường xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư ra các địa phương khác thay vì chỉ tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như trước.

Hướng đến chất lượng

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài.

Thu hút FDI: Việt Nam vẫn đầy sức hút giữa tâm “ bão”
Theo nhiều chuyên gia, thu hút FDI trong thời gian tới là phải xây dựng theo kiểu "may đo"

Về các yếu tố nội tại, Việt Nam có rất nhiều lợi thế từ nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi.

Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam.

“Sự thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cũng tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn”, ông Hoàng cho hay.

Ngoài ra, xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Đại dịch Covid-19 và các hệ quả nặng nề của nó khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.

Trước xu hướng đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian vừa qua.

Dù vẫn duy trì được độ hấp dẫn về đầu tư nhưng không thể không thừa nhận sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, sự yếu kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ… đang là một cản trở lớn của Việt Nam. Việc nâng cao hiệu quả và chất lượng của vốn đầu tư vẫn đang là “bài toán khó” mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dù mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn, song Việt Nam cũng phải xây dựng các tiêu chí cụ thể để lựa chọn dự án đầu tư, chứ không phải là thu hút đầu tư bằng mọi giá nữa.

“Phải lựa chọn dự án sử dụng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đồng thời hỗ trợ, liên kết khu vực trong nước cùng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ở góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhìn nhận cơ hội ai cũng thấy nhưng vấn đề cốt lõi nhất vẫn là tận dụng cách nào.

“Việt Nam đang có lợi thế vượt trội hơn các nước là chúng ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tư do với các thị trường lớn trên thế giới. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của Việt Nam so với các nước khác. Do vậy, chúng ta phải nhìn một cách thực tế, cứ nói dịch chuyển nhưng điều quan trọng là mình muốn gì, đạt được những gì”, ông Cung lưu ý.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chính sách thu hút FDI trong thời gian tới là phải xây dựng theo kiểu "may đo" với từng nhà đầu tư.

“Đơn cử, với các nhà đầu tư châu Âu hay Mỹ, điều họ muốn là chính sách, luật pháp của chúng ta phải ổn định, văn bản cụ thể dự đoán tương lai được, không phát sinh chi phí không chính thức. Điều này đòi hỏi, việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam cần phải quyết liệt từ cấp trên đến cấp dưới, thay vì chỉ cao tốc là bằng phẳng, trong khi đường làng, đường tỉnh đầy chông gai”, ông Cung nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại