menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Thái Bình Pro

Thu hút FDI là thu hút gì?

Ta vẫn đánh giá thành công của việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) qua những con số thống kê vốn đầu tư. Người nước ngoài mang tiền đến tìm kiếm lợi nhuận đều phải thông qua việc bán hàng ở thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu.

Lý do vì sao ta phải trông chờ vào FDI mà không thể tự chủ sản xuất có thể như sau:

1. Thiếu vốn

Vốn trong dân hiện đang huy động qua kênh gửi ngân hàng. Còn một lượng lớn người dân cất giữ bằng vàng, ngoại tệ và cả tiền đồng. Tiền dân dư thừa tiêu dùng hàng nhập khẩu xa xỉ không giúp gì phát triển kinh tế. Tiền đầu tư vào bất động sản để dành chỉ kích thích tăng trưởng GDP nhất thời. Trên thị trường chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài càng có lãi, thì người Việt càng mất tiền (ôm cổ phiếu giá cao). Các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để thu hút vốn không nhiều mà vẫn ưa sử dụng đòn bảy tài chính (vay nợ nhiều, nếu phá sản thì chủ nợ mất tiền).

Doanh nghiệp nhà nước thì bao nhiêu năm sau cổ phần hóa (CPH) vẫn cứ loay hoay không bán được phần vốn nhà nước còn lại, phát hành cổ phiếu mới cũng không xong. Không bán được thì Nhà nước không có tiền thúc đẩy đầu tư công, người dân thì không có cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp. Cái lãng phí lớn nhất là thời gian thì không ai tính. Bán vốn ở doanh nghiệp nhà nước mà sau đó doanh nghiệp ăn lên làm ra lẽ ra phải thấy đó là thành công, thì lại lôi những người thực hiện CPH khi trước ra quy kết là làm thiệt cho Nhà nước. Nếu doanh nghiệp sau CPH lụn bại thì không ai nói gì.

Nhà đầu tư nước ngoài ở các nước phát triển có nhiều nguồn vốn huy động với lãi suất rất thấp, thậm chí bằng 0. Với lợi thế đó họ đã đánh bại doanh nghiệp Việt vay vốn ngân hàng. Nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư rất lớn là vì việc thực hiện chậm trễ và lãi vay vốn hoá vào tổng mức đầu tư làm đội vốn lên. Lãi vay trả ngân hàng thì có tiền trả lãi tiền gửi cho dân, ngân hàng có lãi. Tiền không mất đi đâu. Cái mất là thời gian, dự án không hoàn thành, tiền không sinh ra tiền, cuối cùng mới mất tiền. Nhà nước giữ vai trò chủ sở hữu ở doanh nghiệp nhưng lại không quyết được những việc mà vai trò cổ đông phải quyết.

2. Thiếu kĩ thuật, công nghệ

Thị trường có, nhưng nhiều khi doanh nghiệp Việt không đáp ứng được. Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng trước đây phải nhập, sau đó thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến mang theo kĩ thuật, công nghệ. Nhiều nước chọn cách đi lên dần dần, hoặc mua kĩ thuật. Thu hút kĩ thuật, công nghệ mà họ không chuyển giao, ta cũng không có ý định tự mình làm, thì mấy chục năm sau ta vẫn không có gì. Các nước công nghiệp như Nhật, Hàn và cả Đài Loan họ không đi như cách của ta. TQ thì một thời gian ngắn họ tìm cách thay thế nhà sản xuất nước ngoài hoặc cạnh tranh với nước ngoài.

50 năm trước đây ta đã đặt nhiều nền móng cho các ngành công nghiệp cả nặng và nhẹ (cả miền Bắc và miền Nam). Dần dần ta cứ tự ti, cộng với thiếu vốn, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước chỉ nặng về quản, chiến lược phát triển thiếu những bước đi bài bản đúng quy luật nên con đường phát triển bị đứt gãy. Rất nhiều sản phẩm ta hoàn toàn có thể làm chủ khả năng sản xuất, nhưng tiêu chí thu hút FDI như là thành tích dẫn đến không còn không gian cho những doanh nghiệp Việt khởi nghiệp.

3.Thiếu thị trường

FDI vào là ta đã giành cho cả thị trường nội địa. Không những thế còn rất nhiều ưu đãi. Đất đai được giải quyết dễ dàng, thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, được giảm. Điện Việt Nam bao cấp giá rẻ. Yêu cầu về môi trường không khắt khe, vi phạm cũng chỉ xử lý nhẹ nhàng. Doanh nghiệp FDI ít khi bị thanh tra, kiểm tra đủ loại. Những ưu đãi ấy doanh nghiệp Việt không có được nên không thể cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Điểm tích cực là FDI mở ra thị trường quốc tế. Chúng ta vốn không đề cao việc buôn bán, thương mại. Hơn 2000 năm trước thế giới đã có con đường tơ lụa Đông Tây. Ta thì đề cao đỗ đạt, học vấn (kể cả có khi chỉ là cái vỏ), coi buôn bán là xấu. Giờ vẫn đủ những danh từ miệt thị như con buôn, thương lái, gian thương, con phe. Đội ngũ mua hàng hoá bán cho nước ngoài trước kia từng bị coi là đầu cơ, là tư sản mại bản, bị đánh tơi tả. Không có đội ngũ kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, ta lười nhác dựa luôn vào doanh nghiệp FDI.

Ta đã từng đặt ra các mốc thời gian trở thành nước công nghiệp nhưng không thành. Thu hút FDI là đúng đắn nhưng cần phải xác định rõ từng mục tiêu thu hút cụ thể là gì. Con số thống kê vốn đầu tư không nói lên gì nhiều. Nếu có con số thống kê lợi nhuận hàng năm các nhà đầu tư FDI chuyển về nước ta sẽ có cách nhìn toàn diện. Ta có bộ máy khủng, nhưng chắc ai cũng bận rộn nên không thấy ai đặt vấn đề về việc nhỏ này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Ngô Thái Bình Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại