Thu hút FDI: Không bỏ lỡ cơ hội
Khi dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, nhiều quốc gia trong khu vực đã và đang thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư. Và, Việt Nam cũng không ngoại lệ trong “cuộc đua” này.
Phát huy lợi thế
Bà Sian Fenner - Chuyên gia cua Oxford Economics - nhận định, việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong suốt thời gian qua giúp Việt Nam thu hút nhiều FDI, phục hồi kinh tế nhanh hơn phần lớn các nền kinh tế trong khu vực và đạt mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2020. Bước sang năm 2021, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 8%.
Thực tế, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư khi đang thực hiện hàng loạt ưu đãi cho DN. Đơn cử, hiện, chi phí đóng thuế thu nhập DN ở Việt Nam khoảng 20% - thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Ngoài ra, các công ty hoạt động trong khu công nghiệp (KCN) cũng được hưởng nhiều ưu đãi như: Miễn thị thực, miễn thuế 2 - 4 năm, giảm thuế 3 - 15 năm và miễn thuế nhập khẩu...
Lợi thế so sánh để các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia đánh giá là một trong những điểm đến đáng tin cậy để thực hiện dịch chuyển các dự án đầu tư sang Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất trong cuộc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tính chung 6 tháng năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, dòng vốn FDI vào Việt Nam tháng 6/2020 đã tăng trở lại sau vài tháng trước đó bị sụt giảm. Vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh trong 6 tháng đều tăng nhờ thu hút được các dự án quy mô lớn hàng tỷ USD…
Chạy đua thu hút FDI
Lợi thế là vậy, song theo các chuyên gia, Việt Nam cần nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa trong cuộc đua đón vốn FDI “có một không hai” như hiện nay. Để tận dụng cơ hội thu hút FDI, không chỉ dựa vào lợi thế vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ mà còn cần phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế.
Bên cạnh đó, tiếp tục tinh gọn quy trình, thủ tục đầu tư; có chính sách, gói hỗ trợ đào tạo nhân lực có tay nghề, tăng cường gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương với các nhà đầu tư lớn để nắm rõ nhu cầu, tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng…
Theo ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư mong muốn chính sách phải nhất quán, ổn định, lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra các quyết định, quyết sách nhanh chóng. Ngoài ra, DN cũng mong muốn các địa phương sẵn sàng có mặt bằng sạch bàn giao ngay khi có yêu cầu, nhất là các KCN. Đáp ứng nhu cầu này, đến nay, hàng loạt địa phương trong cả nước như Đồng Nai, Long An, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện đồng bộ hạ tầng ở các KCN.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận