Thu hút FDI điểm sáng trong bối cảnh kinh tế khó khăn
Trong những tháng đầu năm 2021, có hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư “rót vốn” vào Việt Nam. Đây là những tín hiệu vui cho thu hút FDI trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đợt 1 năm 2021 cho 5 doanh nghiệp (DN) nước ngoài với tổng số vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Tương tự, một loạt các tỉnh, thành trên cả nước đều đón nhận luồng vốn FDI khả quan. Cụ thể, tại Long An, ngoài các dự án lớn từ đầu năm như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) tổng vốn đăng ký “khủng” trên 3,1 tỷ USD, hay dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD. Tại Hải Phòng có dự án 475 triệu USD của Intel (Mỹ), dự án mở rộng 750 triệu USD của LG Display (Hàn Quốc).
Đáng mừng hơn, ngoài các dự án đã được cấp phép, hàng loạt dự án FDI “khủng” cũng đang xếp hàng vào Việt Nam như mới đây Tập đoàn Foxconn đã có chuyến tìm hiểu tại Thanh Hóa với mong muốn được tỉnh giới thiệu địa điểm và ủng hộ tập đoàn xây khu công nghiệp khoảng 150ha để làm các nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD…
Trong những tháng đầu năm 2021, có hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư “rót vốn” vào Việt Nam. Đây là những tín hiệu vui cho thu hút FDI trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/6/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của FDI đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, số vốn FDI đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh, nhất là những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Một số chuyên gia nước ngoài nhận định, Việt Nam vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư ngoại lựa chọn như một điểm đến nhiều tiềm năng, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dự báo, thời gian tới khi dịch bệnh dần được đẩy lùi, triển vọng thu hút FDI của Việt Nam sẽ còn tươi sáng hơn. Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam tạo lực đẩy, khôi phục nền kinh tế thời kỳ hậu đại dịch.
Với những tín hiệu khả quan này, Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa ghi nhận, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút vốn FDI nhiều nhất trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 19 trên toàn cầu với tư cách là nước nhận FDI với vốn đầu tư 16 tỷ USD, tăng 5 bậc so với năm 2019. Mặc dù, vốn FDI vào Việt Nam giảm 2% do đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và bất động sản bị thu hẹp đáng kể (đây là hai lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất vào năm ngoái), nhưng năm nay dòng vốn có sự thay đổi, được chuyển hướng tăng cường đầu tư vào các dự án điện, năng lượng sạch.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song nhiều DN tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Xuất, nhập khẩu của khu vực FDI vẫn tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2021. Sở dĩ, Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI do tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…đã đem lại lợi thế cho Việt Nam trong tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20. Ngoài ra, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, ghi dấu ấn thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN, được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trước đó… Đây có thể coi là những lý do cơ bản tạo nên sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia nêu quan điểm, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng với đó, rà soát lại, hạn chế đối với các DN nước ngoài có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các DN không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam. Đặc biệt, vừa qua việc Chính phủ thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để hỗ trợ các tập đoàn đa quốc gia, DN nước ngoài lớn nắm bắt kịp thời các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam, một loạt dự luật quan trọng đối với các hoạt động đầu tư, kinh doanh được ban hành, cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn được bổ sung… đã tạo điều kiện giúp cho Việt Nam vươn lên trở thành điểm sáng về thu hút vốn FDI trong khu vực và thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận