Thu hút FDI 10 tháng: Vốn giải ngân tăng cao hơn đăng ký và những lưu ý
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa thông tin về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 10 tháng năm 2019, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng giải ngân vốn cao hơn đăng ký.
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Tương quan về tăng trưởng dòng vốn đăng ký và giải ngân nói trên cho thấy các cam kết đầu tư dường như thực chất hơn, với giai đoạn gần đây không có nhiều các “dự án tỷ đô” như trước.
Con số thống kê trên thực tế của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến ngày 20/10/2019, có 3.094 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,9% số dự án so với cùng kỳ năm 2018; tuy nhiên tổng vốn đăng ký cấp mới chỉ đạt 12,83 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Cơ quan công bố số liệu giải thích, vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm so với cùng kỳ do quy mô dự án giảm, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn nhất là 420 triệu USD. Trong khi đó, 10 tháng năm 2018 có một số dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới như Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội - Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD; Dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng - Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu…
“Nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 10 tháng năm 2019 tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2018”, Cục Đầu tư nước ngoài thông tin thêm.
Nhưng, tăng trưởng vốn đăng ký thấp cũng đặt dấu hỏi cho nhiều nhận định trước đây, rằng Việt Nam có thực sự là điểm đến của dòng vốn FDI trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định, nhất là các dự án nền tảng của chuỗi giá trị?
Thứ hai, cũng đáng lưu ý là các dự án đăng ký đầu tư giai đoạn trước thì nay không thấy tăng mạnh đầu tư, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phát triển, được cho là hưởng nhiều lợi ích từ hội nhập và “miễn trừ” với tác động của chiến tranh thương mại và xung đột địa chính trị.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng năm 2019 có 1.145 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018; tuy nhiên tổng vốn đăng ký điều chỉnh chỉ có 5,47 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2018.
“Trong 10 tháng năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ, không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Như vậy, phải chăng nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nhưng e ngại về triển vọng kinh doanh trong dài hạn tại Việt Nam?
Trên thực tế con số thống kê, đáng chú ý là về góp vốn, mua cổ phần tăng rất mạnh trong thời gian qua cũng dẫn đến một lưu ý thứ ba, rằng dường như nhà đầu tư nước ngoài “ngại” khởi sự kinh doanh bằng các dự án mới, trong khi nhìn thấy cơ hội chiếm thị phần từ các dự án trong nước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, về vốn điều chỉnh, Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.
Thực tế con số như trên là đáng suy ngẫm, trong bối cảnh Việt Nam duy trì ổn định vĩ mô, có nhiều yếu tố hỗ trợ sản xuất, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn và nhiều thương hiệu bị nước ngoài thâu tóm, vậy thực lực nền kinh tế, nền tảng cho tăng trưởng bền vững đang được “gia cố” thế nào qua các con số nêu trên?
“Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, 10 tháng năm 2019 chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký”, thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài như vậy rất đáng để lưu tâm.
Nhưng một điểm lưu ý thứ tư cũng rất quan trọng, đó là xuất khẩu của khu vực FDI đang có xu hướng tăng chậm lại, cảnh báo rõ nét về sức hút vốn ngoại của nền kinh tế Việt NaM.
Theo Cục đầu tư nước ngoài, xuất khẩu của khu vực FDI 10 tháng năm 2019 kể cả dầu thô đạt 150,43 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69,3% kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu không kể dầu thô đạt 148,72 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 68,5% kim ngạch xuất khẩu - giảm cả về tốc độ tăng và tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tương tự, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 122,1 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 58,1% kim ngạch nhập khẩu.
Tuy nhiên, xét riêng về cán cân thương mại, khu vực FDI vẫn có đóng góp đáng kể cho thanh khoản ngoại tệ, ổn định tỷ giá và ổn định đồng nội tệ, hỗ trợ doanh nghiệp cần ngoại tệ nhập khẩu… Bởi trong 10 tháng năm 2019, khu vực FDI xuất siêu 28,32 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 26,62 tỷ USD không kể dầu thô.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận