Thu hồi xe cũ nát: Bàn nhiều, làm ít
Việc thu hồi xe cũ nát hay kiểm tra khí thải xe máy... là những việc đáng lẽ phải làm từ lâu, nhưng tới nay vẫn trong tình trạng “nói nhiều, làm chưa được bao nhiêu”.
Bộ TN-MT vừa đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi xe cũ nát gây ô nhiễm môi trường. Việc thu hồi xe không đạt chuẩn hay kiểm tra khí thải xe máy... là những việc đáng lẽ phải làm từ lâu, nhưng tới nay vẫn trong tình trạng “nói nhiều, làm chưa được bao nhiêu”.
Loại bỏ xe cũ nát, lạc hậu
Trong văn bản gửi các tỉnh, TP đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải, Bộ TN-MT cho rằng thời gian gần đây mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh việc cần đẩy nhanh ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải, Bộ TN-MT đề nghị Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Trên thực tế, việc thu hồi xe cũ nát hay kiểm định khí thải xe máy sau nhiều năm vẫn chưa thực hiện do 2 nguyên nhân chính là thiếu cơ sở, hành lang pháp lý và e ngại dư luận xã hội.
Cuối tháng 12.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Chiến lược đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020 - 2030 sẽ thực hiện kiểm soát phát thải khí thải định kỳ với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu, cần luật hóa và có các văn bản hướng dẫn dưới luật. Hiện luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã bổ sung quy định về kiểm tra khí thải xe máy. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên, do còn một số vấn đề, dự luật chưa được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Khó “xử” ô tô hết niên hạn
Là địa phương có lượng phương tiện hết niên hạn sử dụng nhiều nhất cả nước (hơn 3.300 xe), trong vòng 5 năm trở lại đây, TP.HCM liên tục gửi văn bản thúc Bộ GTVT nhanh chóng có hướng dẫn để TP từng bước triển khai xử lý xe cơ giới hết niên hạn, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Một cán bộ tại đơn vị quản lý phương tiện thuộc Công an TP.HCM cho biết theo quy định, phương tiện xe cơ giới cũ, hết “đát” nếu tham gia giao thông sẽ bị cơ quan chức năng thu hồi, xử phạt. Tuy nhiên số giấy tờ thu hồi được trên thực tế chỉ chiếm khoảng 1/15 tổng số xe hết “đát”.
Xe máy cũ nát vẫn lưu thông trên đường và là phương tiện mưu sinh của nhiều người. ẢNH: KHẢ HÒA
Đáng lo ngại, có nhiều chủ xe không những trốn tránh việc nộp lại giấy tờ mà còn lén lút bán xe cho người khác làm giả giấy tờ, đưa vào lưu thông. Điển hình như trường hợp xảy ra vào cuối năm 2016, một công ty vận tải ở Q.2 mua xe container “hết đát” về gắn biển số đỏ giả, sau đó thuê tài xế không có giấy phép lái xe hạng FC điều khiển, gây tai nạn chết người. Tại TP.HCM còn có những khu chợ chuyên mua bán xe cũ, xe “quá đát”, “mông má” lại rồi tiếp tục đưa vào sử dụng.
Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết đơn vị thường xuyên tiến hành rà soát, thống kê số ô tô hết niên hạn sử dụng, sau đó lập danh sách, gửi thông báo mời chủ phương tiện đến cơ quan chức năng làm thủ tục nộp giấy tờ theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong công tác thu hồi giấy tờ, kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, do phương tiện hết niên hạn thường được bán qua nhiều đời chủ nên việc xác minh không dễ. Thứ hai, hộ khẩu nơi chủ phương tiện đăng ký thường trú thường xuyên thay đổi gây khó khăn trong việc thông báo; và cuối cùng là tinh thần tự giác của chủ phương tiện chưa cao, cố tình né tránh không nộp lại giấy tờ.
Còn theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có gần 223.000 xe hết niên hạn sử dụng, gồm hơn 170.000 xe tải và gần 53.000 xe chở người. Riêng năm 2020, cả nước có gần 16.500 ô tô hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, rất ít trường hợp chủ phương tiện chấp hành quy định nộp lại biển số và đăng ký xe. Tính đến hết năm 2019, Cục CSGT chỉ thu hồi được biển số và đăng ký của hơn 14.000 phương tiện.
“Quản” xe máy bằng hàng rào kỹ thuật?
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, khác với ô tô, hiện nay xe máy chưa có quy định niên hạn sử dụng. “Việc thu hồi với xe máy cũ nát sẽ khó khăn vì không có quy định niên hạn, chưa quy định phải kiểm soát khí thải, nên xác định thế nào là xe máy cũ nát phải có quy định rõ ràng. Ngoài ra, xe máy cũng là tài sản sở hữu của người dân, việc thu hồi có thể gặp vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Chưa kể, xe máy là phương tiện chính của một bộ phận người dân nghèo nên tác động xã hội càng lớn, cần phải tính toán kỹ và có lộ trình phù hợp”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, hiện xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như xe nhập khẩu mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải mới được đưa ra thị trường. Nhưng với xe máy đang lưu hành, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 909/2010 phê duyệt chủ trương lập đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP. Đề án đưa ra lộ trình áp dụng theo địa phương, theo loại xe (kiểu loại, năm sử dụng) và giải pháp triển khai. Các bước khởi động đã được thực hiện ngay sau đó, Cục Đăng kiểm đã được Bộ GTVT giao nghiên cứu và trình đề án kiểm soát khí thải lên Bộ từ năm 2014. Nhưng do tác động xã hội quá lớn nên tới nay việc kiểm soát khí thải xe máy lưu hành vẫn chưa thực hiện được.
Ông Phương cho biết đa số các nước không quy định về niên hạn xe máy, mà kiểm soát xe máy cũ thông qua các hàng rào kỹ thuật về khí thải và quy định về mức phí bảo hiểm. Theo đó, xe máy không đạt tiêu chuẩn về khí thải, không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và môi trường sẽ không được tham gia giao thông, xe càng cũ càng phải mua bảo hiểm cao. “Việc quản lý với xe máy cũ nát để đảm bảo an toàn giao thông, giảm bớt ô nhiễm môi trường là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, cần có giải pháp tổng thể và phù hợp để vừa kiểm soát xe máy cũ vừa có tính khả thi”, ông Phương nói.
Việc quản lý xe máy cũ cần sự phối hợp chặt chẽ của 3 nhà: nhà nước xây dựng hành lang pháp lý, có cơ chế hỗ trợ vì đây là chủ trương bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông. Nhà sản xuất xe máy phải có biện pháp hỗ trợ tài chính cho người dân như mua lại hoặc đổi xe cũ lấy xe mới với giá ưu đãi, thể hiện trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, người dân phải bảo hành, bảo dưỡng xe thường xuyên để duy trì tình trạng kỹ thuật của xe, hạn chế xả thải, tiếng ồn và ủng hộ việc kiểm soát khí thải xe máy. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận