Thu hồi nợ vay tiêu dùng: Ranh giới mong manh giữa 'đốc thúc' và 'đe dọa'
Ngày 20/4, các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng, Luật sư đã chia sẻ các ý kiến liên quan đến "Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật" tại buổi tọa đàm về tín dụng tiêu dùng, do Báo Người Lao Động tổ chức.
Công ty tài chính chính thống bị đánh đồng với tín dụng đen
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. HCM, cả nước hiện có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trong khi các ứng dụng (app) không được cấp phép rất nhiều gây ảnh hưởng những công ty chính thống khiến họ bị đánh đồng, bị ngộ nhận, bị ảnh hưởng thương hiệu.
Thậm chí, công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, được cấp phép quản lý đang bị đánh đồng với tín dụng đen.
Hoạt động cho vay và thu hồi nợ quý I tăng trưởng thấp, có công ty tài chính sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ. Giai đoan 2016- 2022, các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng 19-20%, chiếm 14-15% tổng dư nợ chung, cao hơn tăng trưởng chung nhưng quý I/2023 ngược lại.
Khó khăn tiếp theo là đội ngũ chính thống nghỉ việc nhiều, khó tuyển dụng do rủi ro nghề nghiệp, định kiến xã hội. Do khách hàng vay tiêu dùng dưới chuẩn, chây ì trả nợ, khi nhân viên tài chính nhắc, họ còn đe dọa ngược lại.
Để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng đen, cần tăng cường giải pháp tuyên truyền tránh để khách hàng gây ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và công ty trái pháp luật.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần công bố danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý cần được công bố để người dân có nhìn nhận tốt hơn. Cần truyền thông thêm nghĩa vụ người đi vay, rủi ro trả nợ không đúng hạn, người dân có niềm tin hơn.
Các công ty tài chính nên tiếp tục quảng bá hình ảnh – công ty chính thống hợp pháp. Đồng thời, cần đưa ra nhiều sản phẩm phong phú, hữu ích cho khách hàng. Cho công nhân khu chế xuất- khu công nghiệp, vay trả góp, mở rộng mạng lưới, góp phần vùng sâu xa. Đặc biệt, phải cải tiến văn hóa thu hồi nợ.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, tín dụng tiêu dùng là hoạt động không thể thiếu trong đời sống hằng ngày nên các tổ chức tín dụng cũng rất quan tâm.
Đến nay, tổng dư nợ tiêu dùng của TP. HCM đạt hơn 933.000 tỷ đồng trong đó khối các công ty tài chính khoảng 104.000 tỷ đồng. Nếu tính dân số khoảng 9,2 triệu người (thống kê vào năm 2021), bình quân một người dân tiếp cận khoảng 102 triệu đồng, xét về chi tiêu của đời sống xã hội thì con số này rất thiết thực.
Tăng trưởng cho vay tiêu dùng cao trong những năm vừa qua. Bình quân mỗi năm, tăng trưởng cho vay tiêu dùng trên địa bàn đạt khoảng 36%. Năm 2022, cho vay tiêu dùng tăng 21,9% so với năm trước phù hợp với tình hình thực tiễn kinh tế của TP. HCM. Đến cuối năm 2022, tỷ trọng dư nợ tín dụng trên toàn địa bàn 22% và tín dụng tiêu dùng khoảng 30% là nhu cầu lớn và thiết thực, nếu làm đúng sẽ có tích cực lan tỏa tới kinh tế.
Cần có biện pháp kiểm soát lãi suất cho vay tiêu dùng
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, tiêu dùng chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP Việt Nam, khoảng 7%. Tín dụng tiêu cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng quốc gia với khoảng 20% tổng dư nợ. Với vị trí quan trọng như vậy, tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng là động lực tăng trưởng quốc gia.
Các tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng... là thành phần chính trong cho vay tiêu dùng; bên cạnh đó là hệ thống tiệm cầm đồ, tín dụng đen... Các tổ chức tín dụng chính thức hay không chính thức trở thành hệ thống cung cấp tín dụng cho toàn xã hội.
Trong bối cảnh nhiều người mất việc, cần tiền phải đi vay để tiêu dùng, mua sắm, vấn đề đặt ra là lãi suất tín dụng tiêu dùng dù thuộc tổ chức tín dụng chính thức hay kênh không chính thức đều rất cao. Luật đã có quy định về lãi suất nhưng việc áp dụng luật chưa chặt chẽ, vì vậy lãi suất tín dụng có thể lên tới 20%-30%; các tiệm cầm đồ, tín dụng đen còn tính lãi cao hơn rất nhiều, có thể lên đến vài trăm phần trăm.
Hiện nay, chưa có biện pháp, kế hoạch nào để kiểm soát vấn đề lãi suất. Bên cạnh đó, rất nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính áp dụng lãi và phí cộng lại rất cao. Có loại lãi suất niêm yết trên giấy tờ, còn loại lãi suất cộng thêm tất cả các loại phí thì là lãi suất thật, có thể lên đến vài trăm phần trăm.
Đâu có vẫn còn hiện tượng đi vay còn kèm theo hợp đồng bảo hiểm. Cá nhân, chủ doanh nghiệp đi vay buộc phải mua thêm bảo hiểm. Có những ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm không gắn liền với tín dụng. Tiệm cầm đồ cũng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm.
Theo ông Hiếu, một thực tế hiện nay là tín dụng đen đang hoành hành. Kinh tế suy giảm, ngân hàng không cho vay nên người dân, doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn vay từ tín dụng đen. Nhiều trường hợp vướng vào tín dụng đen không thoát ra được.
TS Hiếu lưu ý, Việt Nam hiện nay đã có thị trường mua bán nợ doanh nghiệp do Công ty quản lý tài sản (VAMC) quản lý và có sàn mua bán nợ riêng. Còn đối với các món vay tiêu dùng vẫn chưa có sàn mua giao dịch mua bán nợ. Vì vậy, ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên có định hướng mở sàn giao dịch nợ vay tiêu dùng.
Làm sao để vay và thu hồi nợ đúng luật?
Luật sư Trương Thị Hoà nhấn mạnh, tín dụng tiêu dùng góp phần phát triển nền kinh tế, đây là giải pháp để đấu tranh, hạn chế tín dụng đen.
Quyền tiếp cận tài chính tiêu dùng của người yếu thế trong xã hội là rất cần thiết, cần tạo điều kiện cho họ được tiếp cận tài chính. Thực tế, trong xã hội đang có khoảng cách giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp, và tín dụng tiêu dùng nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách này.
Tín dụng tiêu dùng phải phát triển, cho vay phải đi đôi với thu hồi nợ. Muốn thu hồi nợ đúng luật phải có quy định pháp luật đầy đủ. Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều văn bản thông tư liên quan đến hoạt động, quy định của pháp luật và phải được thực hiện, kiểm tra, giám sát. Đòi hỏi pháp luật là có nhưng quan trọng là con người thực hiện. Trong pháp luật của nhà nước cũng có quy định rất rõ ràng về đạo đức con người thu hồi nợ.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có các thông tư 43, 39 quy định rất rõ ràng về vấn đề đốc thúc thu hồi nợ, không được gọi trước 21 giờ, không gọi quá 5 lần trong 1 ngày…
Còn đòi nợ thế nào là vi phạm pháp luật, cao nhất là vi phạm pháp luật hình sự? Điều 170 của Bộ Luật Hình sự quy định cưỡng đoạt tài sản để chiếm lấy tiền trả nợ, là tội cưỡng đoạt tài sản. "Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước quy định không được đe dọa khi thu hồi nợ, vậy thế nào là đe đọa đang là vấn đề được quan tâm", luật sư đặt câu hỏi.
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Văn Đức, Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm nêu, có không ít người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, tài chính công nghệ (fintech) được cấp phép, đâu là tín dụng đen. Để phân biệt chính thức, người dân cần tìm hiểu thông tin chính thức trên website để xem họ có dược cấp phép không.
Hiện nay, các công ty tài chính chính thức hoạt động rất bài bản, công khai theo pháp luật. Trong khi đó, một số công ty "núp bóng", mập mờ về hợp đồng, lãi suất (lãi suất thấp nhưng thu phí cao dẫn đến lãi suất thực rất cao để các khách vay tín dụng tiêu dùng là đối tượng người trẻ, hộ gia đình nghèo sập bẫy).
Do đó, khi khách hàng tìm đến các công ty tài chính để vay tiêu dùng, điều đầu tiên khách hàng nên kiểm tra thông tin về các tổ chức tín dụng cho vay, gói vay có đúng luật không để nhận diện đâu là công ty tài chính chính thức, đâu là công ty tài chính trá hình.
Khuyến cáo người vay làm sao hạn chế tín dụng đen, dưới góc nhìn luật sư, đầu tiên khách hàng vay cần phải tìm hiểu thông tin đối với công ty tài chính cho vay của mình là công ty nào, có được phép hoạt động hay không. Luật quy định hợp đồng vay là hợp đồng bằng văn bản, trong hợp đồng thể hiện rõ lãi suất, phương thức xử lý nợ... Công ty núp bóng trá hình đều né quy định, không ký hợp đồng chính thức.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận