'Thử hạn chế luân phiên ôtô, xe máy một tuần để biết nguyên nhân tắc đường'
Các độc giả thảo luận về mô hình giao thông nào sẽ tối ưu không gian, hạn chế ùn ứ.
"Tôi đã từng thử nghiệm đi làm bằng xe buýt, quãng đường 12 km và phải đi hai tuyến, trong đó có tuyến BRT. Tuyến BRT còn đúng giờ, nhưng tuyến còn lại tầm 15-20 phút mới có một chuyến và chẳng theo quy luật nào về giờ giấc.
Lên xe giờ cao điểm sinh viên đi học, nên còn không có chỗ mà đứng. Tôi chứng kiến nhiều người đợi xe đến mà không thể lên vì không có chỗ đứng. Chen chúc nên quần áo nhàu nhĩ, xộc xệch.
Chưa kể, các nhà chờ của xe buýt thường (không tính xe buýt nhanh) không có mái che, mưa nắng rất bất tiện. Đi xe buýt mất 1,5 tiếng trong khi đi xe máy chỉ mất tầm 30 phút. Thử nghiệm ba tháng là đủ để cho tôi quay lại xe máy".
Độc giả Hùng Cường chia sẻ như trên, đặt vấn đề cho tác giả bài viết 'Đường rộng thênh thang vì 70 người trên một chiếc xe buýt', cho rằng đi xe buýt vẫn còn nhiều bất tiện.
Bài viết so sánh về tối ưu không gian giữa xe buýt và xe máy, ôtô nhận được nhiều thảo luận của độc giả VnExpress. Một số độc giả cho rằng, ôtô chiếm diện tích lớn, nhưng bên trong thường chỉ chở một, hai người, nên là thủ phạm gây tắc đường, độc giả Bao nói:
"Nếu bạn cho rằng ôtô là nguyên nhân gây tắc đường và nên cấm thì tại sao ai đi xe máy đều muốn được đi ô tô? Thật sự, mấy cái ý tưởng cấm xe nói chung thì mình thấy đều không hợp lý.
Phải có những giải pháp hiệu quả để từng phương tiện phải trả những mức phí nhất định khi sử dụng trong các thành phố. Chẳng hạn, xe máy để trên vỉa hè rất nhiều nhưng chẳng đóng một đồng nào chi phí đậu đỗ, trong khi nó lại chiếm đường của người đi bộ. Hay khí thải của xe máy phần lớn đều không đạt Euro 4, trong khi ô tô nào cũng phải đạt Euro 4, cũng là điều bất công".
Độc giả nickname minhtuanhb83 đề nghị:
"Muốn đổi lỗi tắc đường là do ôtô hay do xe máy thì chỉ có một cách làm quyết liệt mới rõ được. Áp dụng đúng một tuần là ra kết quả. Hạn chế ôtô một tuần chỉ chạy xe máy và ngược lại".
Trong khi đó, độc giả hongnhungpaticusi cho rằng:
"Câu chuyện này sẽ còn tranh cãi nhiều, lý do nào cũng thấy hợp lý. Nhưng phải nói thật, muốn cấm xe máy hiệu quả là phải từ cái gốc. Cái gốc của ta là nền kinh tế nhỏ lẻ, mỗi người một việc đi một hướng, nên khó có thể cùng nhau lên một chuyến xe buýt để đến nơi làm việc.
Ví dụ, hàng ngày hàng triệu người ra khỏi nhà đi ăn sáng, đưa con đi học rồi đến nơi làm việc khắp các chợ, ngõ hẻm, còn chở thêm hàng hóa, đồ nghề thì làm sao có xe buýt nào đáp ứng nổi. Thứ nữa là khí hậu nhiệt đới: buổi sáng còn đỡ, chứ đi một km buổi trưa là hết chịu nổi rồi.
Hà Nội đã đầu tư BRT, đó là một cố gắng lớn để thay đổi thói quen đi xe công cộng nhưng cũng đã thất bại. Riêng Metro thì có doanh thu hơn, nhưng cũng là do tuyến đường có nhiều trường đại học và công sở.
Hiện Metro Bến Thành - Suối Tiên đang dự kiến vận hành vào tháng 12 này. Đây cũng là tuyến đường huyết mạch, có thể khả quan hơn. Chúng ta phải chấp nhận làm từ từ thôi, không thể nóng vội mà cấm xe máy ngay được. Việc giãn dân ra ngoại ô và sau này có các công trình TOD (Transit Oriented Development) nghĩa là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) dọc tuyến Metro chắc chắn sẽ khiến lượng người đi tăng nhiều hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận