Thu 70.000 USD cho lớp học qua Zoom, hơn 50 trường đại học Mỹ bị kiện
Ít nhất 50 trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đã bị sinh viên kiện do chất lượng học trực tuyến không tương xứng với số tiền học phí lên tới hàng chục nghìn USD mỗi năm.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), nhiều sinh viên tại Mỹ vốn dĩ phải vay nợ để trả phí học hoàn thành bằng cử nhân đang tự hỏi làm thế nào giành quyền lợi khi phải chi 70.000 USD cho những lớp học qua ứng dụng Zoom.
“Chúng tôi còn phải trả tiền những dịch vụ mà trường đại học không thể đáp ứng”, Dhrumill Shah – sinh viên theo học bằng Thạc sĩ chuyên về sức khỏe cộng đồng tại Đại học George Washington - bày tỏ.
Nam sinh viên 24 tuổi này phải phụ thuộc vào các khoản vay để hoàn thành chương trình học 2 năm. Chỉ còn vài ngày nữa, anh sẽ được nhận bằng song lễ tốt nghiệp truyền thống năm nay đã bị hủy vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Shad đã ký vào đơn kiến nghị yêu cầu nhà trường hoàn trả học phí.
“Tôi nghĩ chất lượng dạy đã giảm sút”, Shah chia sẻ phương thức học trực tuyến do ảnh hưởng từ các biện pháp giãn cách xã hội tại Washington nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã dẫn tới tình trạng mất cân bằng. Shah thừa nhận anh không thể học hiệu quả khi không được lên lớp học trực tiếp.
Shah không phải là sinh viên duy nhất đối mặt với tình trạng này. Molly Riddick cũng đã ký một bản kiến nghị yêu cầu trường Đại học New York (NYU) có một số động thái bù đắp cho sinh viên của mình.
“Dù NYU khẳng định như thế nào nhưng trường vẫn không thể cung cấp đầy đủ chương trình dạy học thông qua Zoom”, Molly bình luận trên trang Change.org.
Một số sinh viên thậm chí còn khởi kiện trường đại học của họ. Trong một đơn khiếu nại thay mặt cho 100 sinh viên, Adelaide Dixon đã cáo buộc Đại học Miami trao bằng tốt nghiệp với “chất lượng giảm sút” vì tổ chức các lớp học trực tuyến và đánh giá năng lực học sinh bằng tiêu chí qua môn/trượt môn thay vì hệ thống chấm điểm truyền thống. Ít nhất 50 trường cao đẳng và đại học tại Mỹ đang đối mặt với tranh cãi pháp lý tương tự.
Hiện các trường đại học vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về thông tin nhận được các đơn kiện. Chỉ một số trường lên tiếng giải thích họ đang ở trong tình thế khó khăn chưa từng có tiền lệ do đại dịch gây ra. Cho đến nay, chưa có trường nào hoàn trả học phí mùa Xuân vừa qua cho sinh viên. Và tình hình có thể tồi tệ hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra vào cuối mùa Hè hay đầu mùa Thu khi các lớp học mở lại. Liệu 20 triệu sinh viên có quay trở lại trường là một câu hỏi còn để ngỏ.
“Tôi hy vọng tôi sẽ được đi học trở lại. Ban lãnh đạo nhà trường cam kết sẽ có hướng dẫn cụ thể trong 10 ngày tới nhưng tôi đang chuẩn bị cho kịch bản việc quay lại trường không thể tiến hành sớm”, Ashwath Narayanan – nam sinh viên 19 tuổi tại Đại học George Washington – cho hay.
Do tình hình COVID-19, một số trường dự tính sẽ thay đổi toàn bộ phương thức hoạt động. Bà Pamella Oliver - Phó Hiệu trưởng phụ trách vấn đề học thuật của Đại học bang California - cho biết vào mùa Thu năm nay, nhà trường sẽ số hóa tất cả dịch vụ. Tuy nhiên, cung cấp dịch vụ số hóa trong tương lai đồng nghĩa với việc tăng sức ép lên sinh viên và phụ huynh – những người vốn dĩ còn chật vật trả các khoản nợ giờ lại thêm lao đao vì tình hình kinh tế suy thoái do COVID-19.
“Nhiều sinh viên và gia đình kiếm được ít tiền hơn, và chính vì vậy họ sẽ không lựa chọn giáo dục đại học”, Ted Mitchell – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ - đề cập trong bức thư gửi lên Quốc hội. Ông Mitchell dự đoán tỷ lệ học sinh nộp đơn cho năm học tới sẽ giảm 15%, đồng nghĩa với việc các trường sẽ tổn thất khoảng 23 tỷ USD doanh thu.
Trong khi một số trường đại học top đầu như Harvard, Yale hay Stanford vẫn có nguồn lực lớn và khả năng vay, nhiều trường nhỏ hơn có thể phải đối mặt với kết cục phá sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận