24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thông tư 02, 03 về nhóm nợ và mua bán trái phiếu doanh nghiệp: Mũi tên trúng nhiều đích

Các chuyên gia, nhà phân tích tài chính cùng chung nhận định, Thông tư 02, 03 của Ngân hàng Nhà nước mới ban hành là mũi tên trúng nhiều đích.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành liên tiếp 2 Thông tư: Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN (Thông tư 03) quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, tập trung nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn.

Bình luận về các thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích: Bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam sau quý I/2023 vừa qua còn nhiều khó khăn thách thức và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và việc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương ban hành liên tiếp 2 Thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp là động thái chính sách cần thiết và kịp thời.

Thông tư 02, 03 về nhóm nợ và mua bán trái phiếu doanh nghiệp: Mũi tên trúng nhiều đích
TS. Cấn Văn Lực, việc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương ban hành liên tiếp 2 Thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp là động thái chính sách cần thiết và kịp thời

Đối với Thông tư 02, mục tiêu là nhằm giảm bớt khó khăn về nghĩa vụ tài chính, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp, giúp người dân và doanh nghiệp dùng tiền đó vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Đồng thời, việc giãn nợ sẽ giúp bảo đảm khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp, cho phép họ không phải chuyển nhóm nợ, từ đó thúc đẩy sản xuất đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng.

Khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tháo gỡ khó khăn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, hướng tới việc đạt các mục tiêu quan trọng đặt ra từ đầu năm.

Đối với Thông tư 03, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc ban hành Thông tư này nhằm 2 mục đích chính: Thứ nhất là góp phần tháo gỡ khó khăn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn rơi vào quý II, IV tương đối nhiều.

Thứ hai, Thông tư 03 sẽ làm tăng thêm tính linh hoạt, chủ động cho các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư, xem xét mua lại trái phiếu doanh nghiệp, tất nhiên bảo đảm an toàn kiểm soát rủi ro cho cả doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.

Như vậy, Thông tư 03 sẽ góp phần khơi thông, tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tăng nguồn lực về vốn cho doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ từ đó thúc đẩy tăng trưởng đến cuối năm và năm tới.

Theo TS. Cấn Văn Lực, điểm đáng chú ý của 2 Thông tư này là gỡ vướng cả 2 phía. Theo đó, các doanh nghiệp, bên vay được cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, tiếp cận được vốn. Trong khi đó, về phía tổ chức tín dụng có thể đầu tư, cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp khi đáp ứng một số điều kiện đã nêu trong 2 Thông tư.

Bên cạnh đó, 2 Thông tư có các điều khoản đủ chặt để vẫn "bảo đảm mọi rủi ro trong tầm kiểm soát" với 3 đặc điểm quan trọng.

Cụ thể là xem xét quyết định việc hoãn, giãn nợ về cơ bản do các tổ chức tín dụng chủ động quyết định trên cơ sở đánh giá tình hình doanh nghiệp, khả năng phục hồi, bao gồm trả nợ cả tín dụng thông thường và trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Đối với Thông tư 02 vẫn có "van" an toàn về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro có lộ trình. Các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư 02 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Thông tư 02, 03 về nhóm nợ và mua bán trái phiếu doanh nghiệp: Mũi tên trúng nhiều đích

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, quy định trên của Ngân hàng Nhà nước khá chặt chẽ nhằm bảo đảm ngay cả trong trường hợp tình huống xấu nhất xảy ra, các tổ chức tín dụng có đủ nguồn lực kiểm soát và xử lý tình hình. Bên cạnh đó, Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thời hạn cụ thể, trước mắt là tới 30/6/20024. Thời gian cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ tối đa 1 năm kể từ ngày khoản đó được cơ cấu lại…

Việc đặt thời hạn là cách xây dựng chính sách duy trì khả năng kiểm soát rủi ro của các ngân hàng. Thông tư 02 cũng có định hướng các ngân hàng phải có các quy định đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ cho người vay vốn.

Đồng thời, việc thiết kế các Thông tư trên đáp ứng đúng các chỉ đạo hết sức cụ thể của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là "hỗ trợ không quên kiểm soát rủi ro".

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp. Thủ tướng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng khi thực hiện 2 Thông tư, theo dõi sát sao tình hình doanh nghiệp với mục đích kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời, có thể ngăn ngừa kịp thời các rủi ro.

Chuyên gia Cấn Văn Lực đánh giá, các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước là kịp thời quyết liệt, được thị trường, doanh nghiệp đón nhận và hoan nghênh, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc đồng bộ để chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đi vào cuộc sống một cách thực chất.

Trước tiên, các tổ chức tín dụng cần có các hướng dẫn quy trình nội bộ rõ ràng trong hệ thống ngân hàng của mình. Đồng thời, cần chủ động đưa ra các tiêu chí, để xác định đối tượng hỗ trợ hoặc đầu tư, cho vay, cơ cấu lại nợ. Các tổ chức tín dụng cần chủ động đánh giá thực chất, bản chất các khoản vay và đầu tư, sẵn sàng nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần có kênh thường xuyên trao đổi, làm việc với khách khách hàng, nắm tình hình tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Cần phải sát sao trong quá trình kiểm tra nhằm bảo đảm các khoản cơ cấu lại nợ đó, đầu tư trái phiếu an toàn, hiệu qủa, đúng pháp luật.

Về phía các cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện. Trước mắt, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023.

Đánh giá tác động các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, bộ phận phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, Thông tư 02 sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hiện nay), từ đó, Thông tư cũng tác động tích cực lên một số ngân hàng. Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng. Với Thông tư 02/2023, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.

“Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như TCB, MBB, VPB, HDB”, bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên gia phân tích từ VNDirect nhận định. Nguyên nhân bởi các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh "an toàn" (ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trong thời điểm này.

Còn đối với Thông tư 03, các chuyên gia của VNDirect khẳng định, Thông tư 03 đã hoãn thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021, đồng nghĩa với việc tiếp tục cho phép ngân hàng được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp (có điều kiện kèm theo). Đây cũng là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (~2% tại cuối Quý 1/202323) và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.

“Thông tư cũng sẽ giúp tăng cầu trái phiếu và có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp như: TCB, MBB, VPB. Tuy nhiên, còn tùy vào khẩu vị rủi ro nhất là trong bối cảnh hiện tại các ngân hàng này cũng ưu tiên việc quản trị rủi ro, cân bằng chất lượng tài sản hơn là mục tiêu tăng trưởng” - chuyên gia của VNDirect thông tin thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả