Thông tin "sốc": 42 máy bay sẽ phải dừng hoạt động, giá vé tăng cao
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin, đến cuối năm 2024, toàn bộ 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất
Thiếu hụt máy bay
Chiều ngày 1/4, tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024 của Bộ Giao thông Vận tải, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã thẳng thắn lý giải về giá vé máy bay "đắt đỏ".
Lý giải về giá vé máy bay tăng cao, ông Thắng cho biết, từ tháng 9/2023, Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thông báo về việc phải thực hiện việc triệu hồi động cơ PW1100 trên các máy bay Airbus A321Neo để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất.
Thống kê trên phạm vi toàn thế giới, ước tính có khoảng 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động bị ảnh hưởng. Tại Việt Nam, việc nhà sản xuất PW yêu cầu triệu hồi một số máy bay A321Neo của các Hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet khai thác đã khiến ngành Hàng không Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt đội máy bay khá trầm trọng.
Về việc nhiều máy bay bị triệu hồi vì lỗi động cơ, ông Thắng cho hay: "Việc triệu hồi động cơ làm các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng máy bay bắt đầu từ tháng 1/2024)".
Nói về đội máy bay bị ảnh hưởng, ông Thẳng nhấn mạnh: "Tính đến hết ngày 31/3, đội bay của Việt Nam có 205 máy bay; đang khai thác 159 máy bay, 20 máy bay đang bảo dưỡng thiết bị định kỳ và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ".
"Từ nay đến cuối năm, toàn bộ 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất," ông Thắng thông tin thêm.
Người đứng đầu Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, số lượng máy bay trên thế giới bị lỗi động cơ rất lớn, khiến chuỗi cung ứng của nhà sản xuất bị đứt gãy.
Cùng với đó, một số hãng hàng không phải tái cơ cấu nợ, khiến giá thuê máy bay trên thế giới bị đẩy vọt lên rất cao và khan hiếm máy bay, rất khó thuê.
Dự báo, phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, động cơ bị lỗi của các hãng hàng không Việt Nam mới hoàn thành việc khắc phục và trở lại hoạt động bình thường. Các yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024 và 2025.
"Theo tính toán, dịp cao điểm hè này, tổng tải thị trường cần khoảng 24 triệu ghế," ông Thắng nói.
Vừa qua, Hãng hàng không Bamboo Airways đã quyết định dừng khai thác 3 máy bay Embraer E190 để tái cơ cấu, cắt giảm chi phí. Theo đó, hãng dừng khai thác các đường bay Hà Nội-Huế/Đồng Hới/Côn Đảo và Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Hới/Côn Đảo; đường bay thẳng Hà Nội-Côn Đảo dừng khai thác từ hôm nay (ngày 1/4).
Từ ngày 18/3, Pacific Airlines đã trả hết máy bay để xóa nợ và không còn máy bay khai thác. Hãng đang xây dựng kế hoạch thuê khô (chỉ thuê máy bay) 3 máy bay từ Vietnam Airlines để duy trì số lượng tàu tối thiểu nhằm giữ giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC).
"Thuê ướt" máy bay
Về phía hãng hàng không quốc gia, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết theo kế hoạch, trong tháng Năm tới, hãng sẽ tiếp nhận máy bay thân rộng thứ 30.
Mặc dù trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã đàm phán với Tập đoàn Boeing lùi thời gian nhận máy bay. Song trước tình huống phát sinh, các bên đã đàm phán lại và đẩy nhanh tiến độ giao máy bay, kịp thời đưa vào phục vụ dịp cao điểm Hè.
Ông Tuấn cũng thông tin thêm, Vietnam Airlines cũng cố gắng đàm phán, thương thảo với các hãng cho thuê để có đội tàu bay 4 chiếc "thuê ướt" (thuê ngắn hạn đội bay hoàn chỉnh) khai thác trong dịp cao điểm Hè.
"Trước đây, thông thường Vietnam Airlines để 2 - 3 máy bay dự phòng tình huống phát sinh, tuy nhiên, trước tình hình khan hiếm, hãng đã táo bạo áp dụng giải pháp không để máy bay dự bị (hoặc chỉ bố trí thời gian 1/2 chiếc) nhằm tăng số lượng máy bay khai thác và sản lượng hành khách," vị Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói.
Để xử lý tình trạng thiếu hụt máy bay và đáp ứng nhu cầu thị trường, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình để giảm thời gian quay đầu máy bay tại sân bay (cố gắng từ 45 xuống còn 35 phút), tăng thời gian bay đêm và đưa máy bay thân rộng vào khai thác.
Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với hành khách tham gia vận tải hàng không, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, chỉ đạo các hãng hàng không khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác, bổ sung máy bay đảm bảo và duy trì lực lượng vận tải, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và giai đoạn cao điểm hè sắp tới.
Các hãng bay thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển; tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách; công tác bán vé, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay của hãng hàng không.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận